Đây là đánh giá của các chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID/Việt Nam GIG) tại buổi tập huấn lấy ý kiến trong quá trình xây dựng VBQPPL trong lĩnh vực tài chính, do Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) tổ chức, ngày 29 và 30/9 tại Bình Định.

DN chưa “mặn mà” góp ý chính sách

Theo các chuyên gia, thực hiện tham vấn DN là một trong những cách thức nhằm xây dựng được chính sách, pháp luật có chất lượng tốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của DN. Thông qua đó, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có thể xác định được những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của một chính sách, pháp luật; là tiền đề cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, sao cho có thể tạo lập được môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, bình đẳng... cho các DN.

Đánh giá về sự tham gia của DN vào quá trình xây dựng pháp luật, theo ông Trần Hữu Huỳnh- Chuyên gia trong nước của USAID/Việt Nam GIG, quy trình xây dựng VBQPPL ngày càng trở nên cởi mở, với sự mở rộng quyền tham gia của DN vào xây dựng luật.

Bên cạnh đó, điều đáng mừng là với việc sửa đổi nhiều quy định pháp luật liên quan tới tham vấn DN thời gian qua, có thể thấy quy trình xây dựng VBQPPL càng ngày càng trở nên minh bạch hơn, và các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là DN có thể tham gia sâu, rộng vào quy trình hoạch định chính sách của Nhà nước.

Đặc biệt, đến nay, nhiều bộ, ngành đã cởi mở và cầu thị hơn trong hoạt động xây dựng VBQPPL, biểu hiện là các dự thảo VBQPPL được công khai trên trang web điện tử và đã có hoạt động đối thoại giữa DN với cơ quan chủ trì soạn thảo.

Thêm vào đó, các hiệp hội được mời tham gia vào hoạt động thẩm định, thẩm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

DN

Chuyên gia của Dự án USAID/Việt Nam GIG trình bày tham luận tại chương trình tập huấn. Ảnh: T.U

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của DN vẫn còn rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát của hơn 8.300 DN dân doanh năm 2015 tại 63 tỉnh, thành phố do VCCI tiến hành cho thấy, gần 80% DN chưa từng tham gia góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước.

“Điều đó cho thấy, phần lớn DN vẫn chưa “mặn mà” với các hoạt động xây dựng pháp luật và cũng đặt ra thách thức từ phía các cơ quan nhà nước trong việc cải thiện và thu hút sự tham gia của DN góp ý kiến cho các văn bản đang soạn thảo”- ông Huỳnh nhấn mạnh.

Một vấn đề được đánh giá làm giảm niềm tin về tính minh bạch trong quy trình làm luật. Đó là, dự thảo VBQPPL có rất nhiều phiên bản, cơ quan soạn thảo sửa đổi liên tục nhưng không được đăng tải đầy đủ. Do đó, trong nhiều trường hợp, dự thảo mà DN tham gia đóng góp ý kiến và dự thảo trước khi trình ký là rất khác nhau. Điều này khiến cho việc lấy ý kiến trở thành hình thức.

Ngoài ra, khi thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, thời hạn ngắn sẽ đặt DN vào tình thế bị động, họ không có thời gian để xử lý các nội dung pháp luật vốn dĩ khó hiểu và vì vậy rất khó để có ý kiến góp ý có chất lượng.

Mặt khác, việc tham gia đóng góp ý kiến nhưng không được tiếp thu hoặc thiếu sự giải trình từ cơ quan soạn thảo sẽ làm nản lòng những DN muốn đóng góp ý kiến về các dự thảo.

Tham vấn chính sách tài chính được thực hiện tốt

Theo các chuyên gia USAID/Việt Nam GIG, cộng đồng DN đánh giá tương đối tích cực về việc xử lý những bất cập lớn, những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính. Có tới 52% DN được hỏi đánh giá việc xử lý những vấn đề này của Bộ Tài chính là thường xuyên, kịp thời. Trong đó, công tác tham vấn đối với các dự thảo VBQPPL, Bộ Tài chính thực hiện khá tốt.

Theo ông Huỳnh, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước trong việc lấy ý kiến của các DN và minh bạch hóa các ý kiến giải trình này để các đối tượng góp ý có thể nhận biết được. Do đó, DN hi vọng trong thời gian tới việc tiếp thu giải trình của các cơ quan soạn thảo sẽ được thực hiện một cách thực chất hơn./.

Về vấn đề này, ông Huỳnh phân tích thêm, phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy, cách thức tổ chức hội thảo, tọa đàm và gửi công văn lấy ý kiến của Bộ Tài chính được đánh giá là có hiệu quả hơn cả.

Bên cạnh đó, các DN đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính. Đặc biệt, các VBQPPL do Bộ Tài chính ban hành có chất lượng tốt về tính minh bạch, hợp lý và khả thi (trong cả 6 lĩnh vực được đánh giá là: chứng khoán, hải quan, kế toán, kiểm toán, thuế, phí lệ phí, quản lý giá và bảo hiểm thương mại). Trong đó, lĩnh vực xây dựng pháp luật về kế toán, kiểm toán được cộng đồng DN đánh giá cao nhất.

Trong thời gian tới, để phát huy sự tham gia của DN vào hoạt động xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng ban hành VBQPPL, theo các chuyên gia USAID/Việt Nam GIG, trước tiên Bộ Tài chính cần cải thiện hiệu quả các hoạt động nội bộ tham vấn xây dựng pháp luật, chú trọng vào các hoạt động nâng cao hiệu quả của công tác chuẩn bị dự thảo.

Thêm vào đó, cần tiếp tục xây dựng quy trình lấy ý kiến “thân thiện”, tăng cường kết nối với cộng đồng DN thông qua các hiệp hội DN trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách và kết nối trực tiếp với các DN thông qua web, email, mạng xã hội….

Ngoài ra, cần chủ động trong truyền thông để có thể nâng cao trách nhiệm giải trình, xây dựng hình ảnh thân thiện, khách quan trong xã hội cũng như trong cộng đồng DN.

“Việc tăng cường kết nối với chuyên gia như nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia pháp lý, luật sư… hay cũng có thể kết nối với các tổ chức phi chính phủ, các hội bảo vệ môi trường, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong quá trình lấy ý kiến xây dựng VBQPPL”- ông Huỳnh nhấn mạnh./.

Tố Uyên