Du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP
Du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Sáng 22/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sản phẩm OCOP ở Việt Nam đa dạng nhưng thiếu đặc trưng

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).

Tại diễn đàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương ông Phương Đình Anh cho biết, đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền... Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025).

Tuy nhiên, theo ông Phương Đình Anh, trong mối quan hệ “hữu cơ” này còn một số mặt hạn chế. Theo đó, mặc dù các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn và các chương trình khác nhưng có những kế hoạch chưa có sự gắn kết với nhau như: Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn chưa có sự thể hiện rõ vai trò góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP, hay có kế hoạch chỉ tập trung thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP lại thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn địa phương.

Bà Ngô Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, ở giai đoạn đầu, Chương trình OCOP đã đạt được những thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương, song hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ở góc độ nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam, nhận định sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Ngành du lịch "xanh" đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.

Du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP
Quang cảnh diễn đàn.

Phát triển sản phẩm OCOP cần 3 yếu tố

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu tích cực. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu.

Trong 5 năm vừa qua, Bộ NN&PTNT tập trung phát triển OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Mỗi đặc sản địa phương mang đặc trưng khác nhau của từng vùng miền.

Để phát triển chất lượng nhiều hơn của các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.

Về phát triển du lịch nông thôn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN&PTNT ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch để phát triển chương trình này. Vấn đề đặt ra đây đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Khi triển khai, Bộ NN&PTNT nhận ra 3 vấn đề từ các mô hình: câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống. Cả 3 yếu tố này cần gắn với nhau.

Bộ NN&PTNT xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường. Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, “đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả”.