Dự toán thu ngân sách năm 2024 là phù hợp thực tiễn
Nguồn: Nghị quyết của Quốc hội. Đồ họa: Phương Anh

Đặt mục tiêu tăng thu phải tính toán kỹ lưỡng

Theo Nghị quyết của Quốc hội, số thu NSNN năm 2024 là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Dự toán thu ngân sách năm 2024 là phù hợp thực tiễn

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính xây dựng dự toán năm 2024 là tích cực, tương đối sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế và có tính tích cực phấn đấu. Mức tăng này là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Về điều hành NSNN năm 2023, Quốc hội cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.

Cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hàng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương.

Quốc hội cũng yêu cầu từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối NSNN.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, dự toán 2024 theo như tính toán của Quốc hội là khá tích cực. Đại biểu cho rằng, nhìn tổng thể, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6% - 6,5%. Tăng thu ngân sách phải tương ứng với tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta cần tính đến đặc thù của ngân sách hiện nay, thu từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn rồi, nhưng chưa phải tuyệt đối, trong đó có nhiều khoản thu không phụ thuộc vào yếu tố tăng trưởng như: thu từ đất, dầu thô... Do đó, đặt mục tiêu thu phải trên dự báo tăng trưởng của từng lĩnh vực của nền kinh tế như thu thuế, phí...

Khắc phục đà suy giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí

Để thực hiện cho được các mục tiêu về tài chính - NSNN đã đề ra, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN.

Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ huy động thu NSNN so với GDP tiếp tục được điều chỉnh, thực hiện năm 2021 khoảng 18,7% GDP và ước thực hiện năm 2022 khoảng 19,1% GDP, dự toán năm 2023 là 15,7% GDP, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 khoảng 17,8% GDP (giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 25,2% GDP).

Năm 2024, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Đồng thời, xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hàng năm do nguyên nhân chủ quan.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang bắt tay vào sửa nhiều luật về thuế. Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các luật về thuế để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thu. Ngoài ra, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số…

Cùng với thu NSNN, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng cơ cấu lại ngân sách. Do đó, trong năm giữa của nhiệm kỳ, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng NSNN.

Thu ngân sách tăng phản ánh sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến dự toán NSNN mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Bộ trưởng, năm 2024 sẽ giảm hai khoản thuế là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng tiếp tục giảm từ 10% xuống 8%. Như vậy, nếu tính cả hai khoản thuế này, thì dự toán thu NSNN năm 2024 sẽ tăng 8,46% so với dự toán của năm 2023.

Câu chuyện vì sao thực tế thu ngân sách tăng cao hơn so với dự toán thường được nhắc đến. Còn nhớ, năm 2022, tốc độ tăng thu ngân sách năm 2022 khá tương đồng so với tốc độ tăng trưởng GDP. Qua đó có thể thấy, việc thu NSNN vượt khá cao so với dự toán xuất phát từ những nỗ lực rất cao của ngành Tài chính trong quản lý thu, chống thất thu thuế và tăng trưởng kinh tế cao hơn dự báo cuối năm trước.

Hay như năm 2021, kinh tế tăng trưởng 2,58% nhưng thu NSNN vượt 16,4% so với dự toán và tăng 3,7% so với năm 2020. Trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, đó chính là thể hiện sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế, thu từ thuế, phí, lệ phí đều tăng so với dự toán.

Giai đoạn 2021 - 2023, bên cạnh những thuận lợi về ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và nền tài chính công cơ bản đã phát triển. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức với những yếu tố bất định, phi truyền thống xuất hiện nhiều hơn, khó lường hơn.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để vừa tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị giảm sâu thu nhập, các đối tượng yếu thế, hỗ trợ tổng cầu, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt cân đối NSNN. Các chính sách tài khóa đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển, qua đó có tác động tích cực trở lại tới việc thực hiện các nhiệm vụ thu, chi và cơ cấu lại NSNN.