Gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, giá thanh long rớt giá thê thảm
Gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, dưa hấu rớt giá thê thảm

Dưa hấu, thanh long rớt giá thảm hại

Hiện nay, tại Tây Nguyên, nhiều vựa dưa hấu đang vào vụ thu hoạch nhưng giá dưa rớt thảm hại còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Điều đáng buồn là với mức giá này, người nông dân vẫn khó bán.

Không chỉ dưa hấu, giá thanh long hiện nay trung bình chỉ 500-1.000 đồng/kg. Hàng đẹp để xuất khẩu cũng rớt giá, còn 1.500 đồng/kg. Nguyên nhân thanh long giảm sâu, theo lý giải của Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, đó là do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ách tắc, phía đường biển có tình trạng khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao nên mặt hàng này không được xuất nhiều. Hiện số lượng thanh long của các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và các kho lạnh lên đến 30.000 tấn, cần phải tiêu thụ trong vòng 15 ngày.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) nhận định, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long giảm sâu còn 2.000-3.000 đồng/kg. Trong quý I/2022, sản lượng thanh long tại các tỉnh trồng nhiều ở phía Nam đạt khoảng 247.000 tấn, trong đó riêng tháng 3 khoảng 63.000 tấn. Hiện một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ để tránh rủi ro.

Tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/3, Bộ trưởng Bộ NNP&TNT Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 3-4 năm, Việt Nam cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nghiêm trọng như thời gian gần đây.

Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng 4/3/2022 tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh vẫn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3 và dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và đang chờ hết thời gian tạm dừng.

Theo ông Lê Minh Hoan, cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn "mù mờ" ở đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác một cách bài bản và kết nối cung cầu. Các địa phương, hoạt động nuôi trồng chủ yếu là thả nổi. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng diện tích bao nhiêu, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng, chất lượng để phù hợp với từng loại thị trường còn chưa chắc chắn.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp thẳng thắn chỉ ra 3 điểm yếu cơ bản: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

"Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; 'tiên trách kỷ, hậu trách nhân', nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước" – ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ngoài ra, tư duy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường. Hơn nữa quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, từ sản xuất, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế rủi ro thấp nhất.

Gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, dưa hấu rớt giá thê thảm
Thanh long là một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phúc Nguyên

Tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để chuyển con đường xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

"Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản ngay cửa khẩu do tỉnh quản lý và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ làm ở Lạng Sơn. Hàng hóa trước khi xuất khẩu sẽ được kiểm dịch, sau đó xe hàng có thể đi thẳng qua nước bạn. Nếu có trường hợp ùn ứ thì đó cũng là nơi chế biến, đóng gói tạm trữ một thời gian... Khi xảy ra dịch bệnh thì khu vực này là một "vùng xanh", nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn" – Bộ trưởng nói.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, trong đó có xây dựng trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Bộ NN&PTNT cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, mặc dù có trung tâm xuất khẩu nông sản rồi nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.

"Sắp tới Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Bộ NN&PTNT sẽ lấy ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, Bộ N&PTNT cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường châu Âu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt ùn ứ nông sản tại của khẩu ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu của nhóm ngành rau quả. Rau quả không còn là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Lũy kế hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đi các thị trường chỉ đạt 445 triệu USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu giảm mạnh nhất là thanh long, mít và dưa hấu...