Giá cà phê arabica tăng vọt
Giá cà phê arabica tăng vọt. Ảnh: TL

Trên thị trường thế giới, giá cà phê duy trì đà tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.245 USD/tấn sau khi tăng 1,49% (tương đương 33 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 233,3 US cent/pound, tăng 1,90% (tương đương 4,35 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 11, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 đã tăng 9,98% lên mức 230 Cents/lb, cao nhất kể từ tháng 1/2012 đến nay. Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 cũng đã tăng mạnh gần 6% và có thời điểm đã vượt quá mốc 2.300 USD/tấn, lần đầu tiên để từ tháng 8/2011.

Theo Bloomberg, giá cà phê arabica tăng vọt, tiến gần mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua do dấu hiệu khan hiếm ngày càng tăng ở các nhà sản xuất hàng đầu là Brazil và Colombia.

Cụ thể, giá cà phê cao cấp giao tháng 3/2022 đã tăng 4,6% lên 2,3475 USD/pound tại New York. Con số này gần gấp đôi so với mức ghi nhận được vào một năm trước đó.

Cà phê có mặt khắp nơi trong các chuỗi quán như Starbucks Corp. và Peet's Coffee & Tea Inc. đang làm tăng thêm áp lực lạm phát trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê tăng mạnh khiến dòng tiền của giới đầu tư trong nước cũng bị thu hút vào thị trường này. Theo Trung tâm Thanh toán bù trừ MXV, giá trị giao dịch trung bình của 2 mặt hàng cà phê đạt hơn 800 tỷ đồng/phiên trong hai tuần đầu tháng 11, tăng gần 15% so với tháng 10. Bên cạnh dòng tiền đầu cơ, các doanh nghiệp cũng tích cực thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro khi chuẩn bị đến giai đoạn bán hàng sôi động nhất trong năm.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường cà phê thế giới không chỉ thể hiện mối lo nguồn cung Brazil sụt giảm, ngay trong năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một” mà còn do nguồn cung từ các nước sản xuất chính khác cũng sụt giảm trong niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 vì thời biết bất lợi, dịch bệnh Covid-19 lây lan, và giá cả vật tư đầu vào tăng cao dẫn tới việc chăm sóc cây trồng thiếu chu đáo. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, giao hàng chậm trễ và chi phí logistics tăng theo xu hướng lạm phát vượt mức, khiến nhiều người sản xuất không muốn giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, về vụ cà phê mới tại Việt Nam, hiện nhiều vườn vẫn chưa thu hái do thiếu lao động, dù tiền công trả rất cao; nhà vườn chưa bằng lòng với giá mua của các đại lý... Khi nhà vườn bị động với vụ mùa mới, các ngân hàng và hiệp hội ngành hàng cần nhanh chóng can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính, giúp nông dân cà phê tránh được những khó khăn đang thực sự ngay đầu mùa./.