Thị trường dần sôi động trở lại nhưng giữ giá

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016 - 2021. Tính riêng tháng 9, CPI giảm 0,62% so với tháng trước. Nguyên nhân chính kéo CPI giảm là giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng giảm 0,29% và giá thịt gà giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước.

Giữ ổn định giá cả những tháng cuối năm

Do vào mùa và thời tiết thuận lợi, giá cả rau xanh, hoa quả cơ bản ổn định; giá lợn hơi liên tiếp "lao dốc" trong nhiều tháng gần đây khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhưng trên thị trường, nguồn cung đang dư thừa đã tác động làm giảm giá mặt hàng này. Giá lợn hơi có nơi giảm xuống 38.000 đồng/kg. Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi những ngày qua cũng chỉ ở mức 45.000 - 47.000 đồng/kg. Hầu như các trại nuôi đều nuôi cầm chừng, chủ yếu là giữ nái để chờ giá lên để tái đàn.

Một số yếu tố góp phần làm giảm áp lực lên CPI vừa qua đó là việc cung ứng ổn định, hàng hóa dồi dào, khiến giá cả không tăng. Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung, miền Nam cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Giá gạo trong nước đang tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam lại tăng trở lại, từ mức giá 415 - 420 USD/tấn của tuần trước tăng lên mức 425 - 430 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021 đến nay. Giá gạo tăng theo lý giải của các thương nhân là thị trường các nước ấm trở lại, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước khởi sắc hơn, trong khi nguồn cung tại Ấn Độ có nhiều yếu tố bất lợi do tình hình thời tiết đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch hiện nay.

Nhu cầu trong nước cũng đang tăng lên trong bối cảnh Chính phủ thu mua gạo từ nông dân để tích trữ vào kho dự trữ quốc gia, kích thích đầu ra đẩy giá gạo trong nước tăng cao hơn.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, vụ hè thu 2021 xuống giống được 1,509 triệu ha, đã thu hoạch được 1,500 triệu ha với năng suất 5,7 tấn/ha; vụ thu đông 2021 xuống giống được 680 ngàn hecta trong tổng số 700 ngàn ha diện tích kế hoạch, đến thời điểm này đã thu hoạch được 140 ngàn hecta, năng suất đạt 5,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào nhưng xuất khẩu gạo vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng.

Tuy nhiên, lo lắng nhất là trong kỳ điều hành ngày 11/10, đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng với các mặt hàng xăng mặc dù đã chi mạnh Quỹ Bình ổn giá để kiềm chế. Do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh thời gian qua, để kiềm chế mức độ tăng của giá xăng dầu trong nước, cơ quan quản lý đã quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; tăng chi sử dụng quỹ đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức cao, chi quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã có 12 lần tăng và 4 lần giảm, giữ nguyên. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Giá xăng tăng khiến dư luận lo lắng tác động tiêu cực đến nền kinh tế và lạm phát, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ. Giá nhiên liệu tăng tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất, theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, dự báo chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Bộ quản lý ngành phải quản chặt hàng hóa thiết yếu của bộ mình

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào trung tuần tháng 8 đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong khoảng 3%, góp phần hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong trường hợp bất thường cũng không vượt quá 4%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự báo năm nay CPI không biến động nhiều, việc thực hiện thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là khả thi. Có chuyên gia dự đoán CPI năm 2021 chỉ ở mức khoảng 2%. Những lo lắng nhất của người làm công tác quản lý giá cả thời gian qua đó là kiểm soát giá cả thị trường ở địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg khi giãn cách, nếu không đảm bảo nguồn cung sẽ kéo theo giá cả tăng đột biến, ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Trên thực tế, để kiểm soát giá cả thị trường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung và của các quốc gia, phản ứng chính sách về tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Trong đó, đặc biệt là các nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với nước ta, nhằm có các biện pháp có tính tổng thể, dài hạn trong việc quản lý, điều hành giá, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Nhiều mặt hàng như: xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục, nhóm hàng giao thông… luôn phải được kiểm soát chặt chẽ.

Trong 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta đã không điều chỉnh được giá một số dịch vụ theo lộ trình. Về cơ bản, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là “gánh nặng” dồn vào các năm tiếp theo.

Hiện nay, việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu đã thuộc các bộ quản lý ngành. Do đó, các bộ, ngành phải quản chặt giá các mặt hàng theo chức năng, nhất là: xăng dầu, điện, mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, vật liệu xây dựng, cước vận tải...

Đối với địa phương, công tác quản lý giá cũng quan trọng không kém. Do đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Mở lại chợ đầu mối, khôi phục kênh phân phối truyền thống

Tin vui là tại vùng dịch căng thẳng như TP. Hồ Chí Minh, một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với lộ trình từng bước. Mục tiêu đến cuối năm, các chợ đầu mối có thể phục hồi 100% công suất hoạt động. Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.

Tại Hà Nội thị trường hàng hóa tiếp tục ổn định. Việc Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động như thể dục, thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng khiến thị trường sôi động hơn. Nhìn chung, hàng hóa tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ vẫn chưa hoạt động trở lại.