Khung khổ pháp lý còn chồng chéo

Ngày 9/11, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam: Rào cản và giải pháp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Huy khẳng định PPP là một hình thức hợp tác tiên tiến và hiệu quả trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. PPP giúp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không phải gia tăng nợ của chính phủ ngay ở bước khởi đầu.

Gỡ vướng cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hải Anh
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng gần 3 năm có Luật nhưng dự án PPP lại đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân từ những rào cản pháp lý: Rào cản lớn nhất chính là tính không đầy đủ, không đồng bộ; rào cản về năng lực thực thi, nhận thức của chính quyền địa phương về PPP kém…

Sự tham gia của tư nhân vào các dự án và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mang lại hàng loạt lợi ích như: thực hiện tốt hơn, tầm bao phủ rộng hơn và tính bền vững cao hơn nhờ vào hiệu quả đạt được với năng lực quản lý, sự năng động, sáng tạo và khả năng định hướng theo yêu cầu của khách hàng, khả năng thu hồi chi phí cao hơn và việc nhạy bén trong sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của khu vực tư nhân.

Việc chuyển giao rủi ro, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện cho đối tác tư nhân tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung vào tăng cường hiệu quả chức năng quản lý, lập kế hoạch và giám sát, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công cộng và sử dụng một cách tối ưu các nguồn lực xã hội.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tiến Huy cho rằng, hệ thống khung khổ pháp lý cho các dự án PPP đã bước đầu được hình thành, nhưng vẫn chồng chéo trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các Luật khác nhau như: Luật Đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Doanh nghiệp (hoạt động của doanh nghiệp dự án), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán), Luật Quản lý nợ công (vốn vay ODA sử dụng trong dự án PPP)…

Ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tiếp theo đó là các Nghị định số 28 và 35 năm 2021 đưa ra những quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật, quy định về quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Luật đã quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư với 5 lĩnh vực thiết yếu; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP; hội đồng thẩm định dự án; vốn nhà nước trong dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của doanh nghiệp dự án; kiểm toán nhà nước đối với dự án và 7 loại hợp đồng PPP.

Cho đến nay, sau hơn 2 năm có hiệu lực, vì nhiều quy định ở Luật là chưa có tiền lệ, nên các bên tham gia PPP còn mất nhiều thời gian để thống nhất cách hiểu và thận trọng trong triển khai.

Năng lực thực thi, nhận thức của chính quyền địa phương về PPP còn yếu

Tại hội thảo các đại biểu cho hay, trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu quốc hội cũng có đánh giá, mô hình PPP ở nước ta đã khá thành công với các dự án điện, cung cấp nước sạch, cảng hàng không, nhưng khi áp dụng với các dự án đường bộ hay y tế, đăng kiểm... thì còn nhiều bất cập. Việc một số dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam không thể thu hút đầu tư PPP mà phải chuyển sang đầu tư công là những minh chứng cụ thể... dẫn tới những đề xuất việc thí điểm tăng tỷ trọng vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến luật sư cho rằng gần 3 năm có Luật nhưng dự án PPP lại đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân từ những rào cản pháp lý. Rào cản lớn nhất chính là tính không đầy đủ, không đồng bộ; rào cản về năng lực thực thi, nhận thức của chính quyền địa phương về PPP kém… Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với việc thực hiện các dự án PPP trong vài năm qua và cả trong thời gian tới.

Gỡ vướng cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Gỡ vướng cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh minh hoạ

Theo luật sư Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế - dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng cần thúc đẩy tháo gỡ về mặt chính sách. Luật PPP và hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan cần được sửa đổi để khắc phục các vấn đề cản trở đầu tư tư nhân.

Về giải pháp khơi thông khúc mắc các dự án PPP, báo cáo đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam "Rào cản và giải pháp" của VCCI cũng xác định rõ nguyên nhân của thực trạng trên, đồng thời đề xuất một số giải pháp giúp cho việc thực hiện Luật PPP tốt hơn.

ThS. LS. Nguyễn Thanh Hà- Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật PPP 2020 với các luật chuyên ngành khác, dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan chức năng về cùng một vấn đề liên quan đến dự án PPP.

Để các dự án PPP phát huy tác dụng, cần cải cách thủ tục hành chính, có các cơ chế hỗ trợ về thủ tục từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Các thông tin từ bước chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cần được đảm bảo công khai minh bạch thông tin.

Tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn tài trợ; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục vay vốn, giải ngân vốn đầu tư dự án.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Mexico, Philippines… do việc đầu tư vào lĩnh vực giao thông đòi hỏi một lượng vốn lớn, pháp luật thường quy định nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp về tài chính cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện chưa có quy định về việc nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có các quỹ tài chính riêng dành cho các dự án PPP. Điều này xuất phát từ thực tế là nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp trong khi phải dành ưu tiên cho các chương trình, dự án đầu tư công và các chương trình trọng điểm quốc gia khác.

​Các dự án về năng lượng, năng lượng tái tạo hiện nay tại Việt Nam thường có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài và đòi hỏi các điều kiện cấp vốn vay đặc thù hơn so với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước.

Các nhà đầu tư thường có nhu cầu được Nhà nước hỗ trợ về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan theo yêu cầu của ngân hàng cấp vốn. Ngoài ra, những cam kết của nhà nước về việc sẽ hỗ trợ Nhà đầu tư, đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư là một trong những nội dung rất quan trọng để các Ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét cấp vốn cho dự án.

Theo đề xuất của VCCI, một số vấn đề cần sớm được bổ sung, hoàn thiện như sau: Tập trung xây dựng hướng dẫn cho hình thức hợp đồng O&M. Sửa đổi và bổ sung cơ chế bảo lãnh chính phủ. Sửa đổi và hoàn thiện quy định về sử dụng ngân sách trong giai đoạn đầu tư và vận hành dự án PPP. Hướng dẫn kỹ hơn về các dự án giao thông như quy hoạch, tổ chức giao thông và cách tính giá dịch vụ. Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp các dự án PPP.