![]() |
Trong cơ cấu sản xuất urê, chi phí nguyên liệu chiếm đến 80%, phần lớn trong số đó chịu thuế giá trị gia tăng cao. Ảnh: TL |
Ngành phân bón chịu tác động kép
Từ ngày 1/7/2025, chính sách thuế giá trị gia tăng mới chính thức áp dụng đối với mặt hàng phân bón, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cách hạch toán chi phí và cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Theo ông Lê Ngọc Hiển - Chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường phân bón Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 đang đồng thời chịu tác động từ hai yếu tố chính.
Ngành phân bón được “tiếp sức” từ thuế và quản lý thị trườngTheo bà Đinh Thị Thùy Dương - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Chứng khoán Vietcap, ngành phân bón dự kiến tăng trưởng trung bình 3%/năm, nhờ mở rộng diện tích cây ăn trái và nông sản giá trị cao. Năm 2025, nhu cầu có thể tăng 4 - 8% do giá nông sản tốt và thời tiết thuận lợi. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bằng chính sách miễn/giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu như lưu huỳnh (0%) và kali (0 - 6%). Đồng thời, việc siết chặt kiểm soát phân bón giả đang giúp thị trường minh bạch hơn, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất chính thống. |
Một là những biến động địa chính trị làm thay đổi cục diện giá nguyên liệu toàn cầu, hai là chính sách thuế giá trị gia tăng mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Sự giao thoa của hai yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm mà còn tạo ra mức độ hưởng lợi khác nhau giữa các nhóm doanh nghiệp trong ngành, từ đó đặt ra những kỳ vọng trái chiều cho từng mã cổ phiếu.
Xét theo tác động từ chính sách thuế, ông Hiển cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân đơn, đặc biệt là urê - được xem là đối tượng hưởng lợi rõ rệt nhất. Trước đây, nhiều nguyên liệu đầu vào chịu giá trị gia tăng từ 5% đến 8%, trong khi đầu ra lại được miễn thuế, khiến các doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào và phải hạch toán toàn bộ phần thuế đó vào chi phí sản xuất.
“Với quy định mới, phân bón đầu ra sẽ chịu giá trị gia tăng 5%, cho phép doanh nghiệp khấu trừ phần đầu vào, tạo ra mức tiết kiệm chi phí tương đương chênh lệch 3 điểm phần trăm. Trong cơ cấu sản xuất urê, chi phí nguyên liệu chiếm đến 80%, phần lớn trong số đó chịu thuế giá trị gia tăng cao, nên mức hưởng lợi là rất đáng kể” - ông Hiển cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Hiển, những cái tên như Đạm Phú Mỹ (DPM) hay Đạm Cà Mau (DCM) được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh biên lợi nhuận nhờ chính sách thuế mới. Ước tính sơ bộ, DPM có thể tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng/năm, còn DCM khoảng 390 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,3% tổng chi phí sản xuất trong giả định sản lượng và giá bán không thay đổi.
Tuy nhiên, cách thức tận dụng phần tiết kiệm này giữa hai doanh nghiệp lại khác biệt đáng kể. Trong khi Đạm Phú Mỹ có xu hướng chuyển lợi ích thuế thành giảm giá bán để kích cầu tiêu thụ trong bối cảnh sức mua nông nghiệp chưa hồi phục rõ nét, thì Đạm Cà Mau lại lựa chọn giữ lại phần lợi ích để tối ưu lợi nhuận. Điều này có thể tạo ra độ lệch trong hiệu quả tài chính giữa hai bên, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm 2025 khi thị trường bước vào mùa cao điểm.
“Ngược lại, các dòng sản phẩm như phân lân hoặc phân hỗn hợp NPK lại không được hưởng lợi nhiều từ thay đổi chính sách thuế, do đặc thù đầu vào vốn đã chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn” - ông Hiển nhận định.
Với phân NPK - sản phẩm được phối trộn từ các loại phân đơn như urê, SA, lân do thuế suất đầu vào và đầu ra cùng ở mức 5%, nên gần như không phát sinh chênh lệch để khấu trừ, dẫn tới mức hưởng lợi từ chính sách thuế là hạn chế. Theo một số phân tích nội bộ thị trường, mức hưởng lợi từ thuế giá trị gia tăng của từng loại phân có thể lần lượt là: urê khoảng 5%, SA khoảng 3,3%, phân lân khoảng 2,8% và NPK vào khoảng 1%.
Biến động giá đầu vào
Trong khi tác động từ thuế chủ yếu ảnh hưởng đến chi phí và biên lợi nhuận, thì giá bán phân bón lại biến động mạnh do ảnh hưởng từ tình hình địa chính trị, đặc biệt là chiến sự và giá nguyên liệu đầu vào. Chuyên gia từ VDSC chỉ ra rằng, nhóm phân urê tiếp tục là dòng sản phẩm hưởng lợi nhiều nhất khi giá khí - yếu tố đầu vào chiếm tới 60% chi phí, có sự liên thông trực tiếp với giá dầu. Khi giá khí tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột, giá urê ngay lập tức điều chỉnh tăng tương ứng.
“Trong khi đó, với DAP, nguyên nhân tăng giá lại đến từ axit sulfuric – chiếm 30% cơ cấu nguyên liệu mà cụ thể là giá lưu huỳnh đầu vào đã tăng tới 260% trong thời gian qua do Trung Quốc tăng mua và Canada cắt giảm sản xuất vì giá dầu thấp. Sự mất cân đối cung cầu này khiến chi phí sản xuất DAP tăng mạnh, bất chấp giá dầu không tăng tương ứng, cho thấy các chuỗi cung ứng nguyên liệu đang bị phân mảnh mạnh do địa chính trị” - ông Hiển giải thích.
Ngược lại, phân NPK tiếp tục rơi vào thế bất lợi. Giá các nguyên liệu đầu vào như kali, DAP, SA đều tăng - kali tăng 19%, đạm tăng hơn 20% nhưng giá bán NPK chỉ tăng khoảng 7%, khiến biên lợi nhuận bị bào mòn. Cạnh tranh trong ngành lại càng thêm gay gắt khi phân bón Nga, vốn có giá rẻ và có khả năng chuyển hướng xuất khẩu sang Việt Nam do bị EU áp thuế 40–50% từ tháng 7 tới. Điều này đặt áp lực lên các doanh nghiệp nội địa trong việc giữ giá bán, khiến mức tăng giá đầu ra không theo kịp chi phí đầu vào.
Dưới góc nhìn đầu tư, ông Trần Trung Hiếu - chuyên gia từ VDSC dự báo rằng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thận trọng trong tuần đầu tháng 7 khi thị trường chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, cấu trúc kỹ thuật của VN-Index hiện vẫn đang được giữ vững, miễn là chỉ số không xuyên thủng vùng hỗ trợ quanh như MA 20/MA 50, phía dưới vùng đỉnh tháng 5. Trong bối cảnh thanh khoản còn yếu và dòng tiền chưa thật sự dồi dào, những nhịp rung lắc ngắn hạn là khó tránh.
“Đây cũng có thể là cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh mang tính tích lũy thay vì tiêu cực. Nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu đầu ngành, có nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô mới” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Thuế giá trị gia tăng kích hoạt chu kỳ lợi nhuận mới cho nhóm phân đơnDù chính sách thuế giá trị gia tăng mới chính thức có hiệu lực ngày 1/7, nhưng trước đó, thị trường đã sớm phản ánh kỳ vọng tích cực vào nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất, thể hiện qua các dự báo lợi nhuận tăng mạnh. Theo ACBS, DPM có thể tiết kiệm khoảng 170 tỷ đồng thuế đầu vào trong năm 2025 và tăng lên 350 tỷ đồng vào năm 2026 khi chính sách áp dụng toàn phần. Với DCM, Agriseco ước tính doanh nghiệp sẽ giảm được 3,8 - 3,9% giá vốn, tương đương hơn 400 tỷ đồng mỗi năm. Báo cáo của Vietcap cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp khác như DDV, LAS, BFC được hưởng lợi, dù mức độ khác nhau. DPM và DCM là hai cái tên nổi bật nhất với mức tăng trưởng lợi nhuận dự phóng lần lượt khoảng 60% và 20% trong năm 2025. Trong khi đó, DGC được dự báo tăng 10%. Đáng chú ý, Vietcap kỳ vọng lợi nhuận của DPM có thể tăng hơn 50% trong năm 2026 và thêm 30% vào năm 2027 nhờ kết hợp yếu tố thuế, giá khí đầu vào hạ nhiệt và giá bán urê duy trì ở mức cao. Lợi thế dài hạn của DPM còn đến từ nguồn cung khí ổn định với giá thấp từ PV GAS, cùng kế hoạch đàm phán mua LNG giá cạnh tranh nhằm tối ưu chi phí sản xuất và giữ vững biên lợi nhuận. |