Làm thế nào để gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội phát huy tác dụng? Gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông dòng vốn cho bất động sản

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3.

Tại cuộc họp báo, đại diện các bộ, ngành đã trả lời về một số vấn đề được quan tâm như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải ngân đầu tư công, khắc phục tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế…

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho bất động sản có thể tăng lên

Cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3/3. Ảnh: Đức Minh

Sắp có Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Trả lời câu hỏi về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân như về pháp lý, mất cân đối cung cầu trên thị trường, vốn…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này. Hiện 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đã thống nhất đưa ra gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng, trong đó mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Phó Thống đốc cho hay, trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Về lãi suất, các ngân hàng dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Hiện tại, sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, gói 120 nghìn tỷ đồng này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế. Bên cạnh việc lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2%, một số chính sách ưu đãi nữa cũng được tính đến như ưu đãi về tiền sử dụng đất, nhằm hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Trả lời về vấn đề giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trách nhiệm giải ngân năm 2023 nặng nề hơn khi tổng số vốn giao cho các bộ, ngành địa phương lên tới trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 140 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 và tăng 260 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Do vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, ngay từ đầu năm đã tổ chức hội nghị toàn quốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán, Thủ tướng đã đến nhiều địa phương để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn các công trình trọng điểm quốc gia.

Để giải ngân được số vốn đầu tư công lớn của năm nay, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh một số bài học của năm 2022 như: thực hiện hiệu quả 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập, đôn đốc các bộ, ngành; chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay; tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế (nếu có) về công tác giải phóng mặt bằng…

Giải pháp tiếp theo là đôn đốc các nhà thầu bố trí đủ nhân lực, nhân công để đảm bảo tiến độ. “Chúng tôi thấy địa phương nào mà đồng chí Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh, Trưởng ban quản lý dự án quan tâm sát tiến độ, thì giải ngân tốt so với các địa phương khác” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho bất động sản có thể tăng lên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Một kinh nghiệm nữa được Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh, đó là không tập trung dàn trải, mà cần có trọng tâm trọng điểm. Đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến có trên 10.000 dự án. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt để cắt giảm còn chưa đầy 5.000 dự án. Đây là giải pháp rất quan trọng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Mua sắm vật tư y tế, sẽ chọn theo nhu cầu sử dụng

Trong lĩnh vực y tế, vấn đề nóng đang được quan tâm là tình trạng thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này.

Đó là sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hóa có dấu hiện khan hiếm, giá cả biến động mạnh. Nhu cầu khám bệnh của nhân dân sau dịch bệnh cũng tăng rất nhiều.

Trong khi đó, một số hợp đồng cung ứng trước đây đã hết hạn, tình trạng gia hạn cấp giấy phép bị quá tải. Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu mua sắm, có gói thầu phải đấu thầu 2, 3 lần mới có người cung ứng. Nhân lực thực hiện công tác đấu thầu không đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt là có tâm lý e ngại trong việc mua sắm các loại hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế…

Để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép.

Bộ Y tế cũng vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; sửa và tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 144 ngày 5/11/2022 về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, các vướng mắc về giá trong đầu thầu, mua sắm vậy tư y tế sẽ được tập trung giải quyết. Chẳng hạn có mặt hàng yêu cầu phải có 3 báo giá, nhưng mặt hàng độc quyền không thể lấy đủ 3 báo giá, do đó nội dung này phải sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1, 2 báo giá.

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cùng cấu hình, cùng tính năng nhưng nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất khác nhau thì giá khác nhau, nếu cứ lấy giá thấp nhất thì có thể sẽ không đảm bảo chất lượng. Bộ Y tế đang trình theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định lựa chọn loại nào phù hợp với yêu cầu sử dụng, chứ không phải lấy giá thấp nhất. Giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ được khó khăn vướng mắc hiện nay cho các cơ sở y tế./.