Ngành Tài chính vận hành bộ máy mới, bứt tốc chuyển đổi số giai đoạn mới
Nguồn: Cục Thuế Đồ họa: Phương Anh

Từ ngày 1/7/2025, Bộ Tài chính chính thức vận hành theo cơ cấu tổ chức mới gồm 34 đơn vị trực thuộc. Việc sắp xếp này căn cứ theo Nghị định 166/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2025, sửa đổi Nghị định số 29/2025/NĐ-СР ngày 24/2/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Tái thiết bộ máy, nâng cấp hệ thống cốt lõi

Các đơn vị trong ngành Tài chính được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, phân định rõ chức năng, nâng cao hiệu quả hoạt động phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đáng chú ý, Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân được hợp nhất vào Vụ Ngân sách Nhà nước, hình thành tổ chức mới giữ nguyên tên gọi là Vụ Ngân sách Nhà nước. Sau sắp xếp, đơn vị này có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về ngân sách và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư được tách ra độc lập từ Vụ Đầu tư; sau khi tách chức năng giám sát và thẩm định đầu tư, Vụ Đầu tư được đổi tên thành Vụ Phát triển hạ tầng nhằm bảo đảm tên gọi phản ánh đầy đủ và bao quát các chức năng chính của đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới. Thanh tra Bộ Tài chính giải thể, thay thế bằng đơn vị cấp phòng phụ trách công tác khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Các cơ quan ngành dọc như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước và Cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức lại nhằm phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp và yêu cầu quản lý mới.

Phục vụ "phi địa giới hành chính"

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tổ chức hành chính, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động nghiệp vụ, phục vụ "phi địa giới hành chính". Việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, cùng triển khai dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VssID và nhiều nền tảng số khác giúp tạo thuận lợi lớn cho người dân, giảm thiểu việc phải đi lại, đặc biệt trong các địa bàn sáp nhập hành chính. Những kết quả tích cực được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, với số người tham gia bảo hiểm đều tăng so với cùng kỳ năm 2024; công tác chi trả và giải quyết chế độ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Song hành với việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngành Tài chính đồng thời tập trung triển khai các dự án và nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong năm 2025 và những năm tiếp theo, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong bối cảnh bộ máy tinh gọn theo mô hình mới.

Tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và báo cáo phương án triển khai, nâng cấp các hệ thống thông tin cốt lõi và trọng yếu của ngành như: VNACCS/VCIS, TMS, TABMIS..., nhằm đáp ứng kịp thời các thay đổi và điều chỉnh nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Các hệ thống mới phải được thiết kế với kiến trúc hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng toàn diện các nghiệp vụ hiện tại và có khả năng mở rộng linh hoạt theo yêu cầu chiến lược phát triển ngành Tài chính cũng như chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ.

Trong quá trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiều lần nhấn mạnh việc ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp có năng lực triển khai các giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)...

Tăng tốc số hóa để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Trong bối cảnh chuyển đổi mang tính lịch sử này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, nhằm bảo đảm việc phục vụ đầy đủ, kịp thời và thông suốt quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn hệ thống bảo hiểm xã hội bước vào giai đoạn mới với tinh thần phục vụ tận tâm, coi mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một người phục vụ chuyên nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với việc huy động tối đa nguồn lực, bảo đảm vận hành ổn định và thông suốt trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Tính đến hết tháng 6/2025, cả nước có khoảng 20,78 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ 44% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gần 2,47 triệu người so với cùng kỳ năm 2024. Công tác chi trả và giải quyết chế độ bảo hiểm được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để phát sinh tình trạng chậm trễ hay khiếu nại.

Để đáp ứng yêu cầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7, ngành Thuế cũng sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố các quyết định về tổ chức, cán bộ của Cục Thuế nhằm triển khai mô hình tổ chức mới theo chính quyền địa phương 2 cấp ngày 1/7, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị các trưởng thuế cấp tỉnh, thành phố, trưởng thuế cơ sở và thủ trưởng các ban, đơn vị thuộc Cục Thuế phải nhanh chóng bắt tay vào công việc, nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách.

Trong mô hình tổ chức mới, địa bàn trải rộng và số đối tượng quản lý rất lớn, và đa dạng, bao gồm trên 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức; hơn 3,4 triệu hộ và cá nhân kinh doanh; hơn 23 triệu cá nhân nộp thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công và hàng chục triệu cá nhân nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hiện đại hóa là yêu cầu cấp bách.

Lãnh đạo Cục Thuế đề nghị, các đơn vị phải chủ động nghiên cứu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển và ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, tận dụng Big Data và AI trong phân tích, quản lý rủi ro, trong quản trị nội bộ, giúp hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc được kịp thời, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, làm giàu các kho cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khai thác hiệu quả cho nhu cầu công việc, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp hoạt động trơn tru, thông suốt.

Dự kiến đầu tư 20.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng số

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2025, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả trong toàn hệ thống. Trọng tâm là triển khai các giải pháp phục vụ người dân và doanh nghiệp trên môi trường số, không phụ thuộc địa giới hành chính.

Cùng với đó, Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số đề xuất được chủ trì phối hợp với các đơn vị nâng cấp, phát triển Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Rà soát, đảm bảo mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến thông suốt, liền mạch, hiệu quả, đảm bảo minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; hoàn thành thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025.

Trên cơ sở đăng ký của các đơn vị, Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số tổng hợp và trình Bộ Tài chính ban hành kế hoạch chuyển đổi số và chỉ thị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, thực hiện Đề án 06 ngày 6/1/2022 về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, ngành Tài chính sẽ triển khai 38 dự án chuyển đổi số với tổng kinh phí dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm.