Chị Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 28/7/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008- 01/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Lễ kỷ niệm.

Kinh tế tăng trưởng, điểm sáng về thu hút đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng nhanh, bền vững. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động tốt nguồn lực đầu tư xã hội, trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút FDI...

Cụ thể, giai đoạn 2008-2017, tăng trưởng GRDP của thành phố bình quân đạt 7,4%/năm; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2017 đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008.

Thành phố luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu thu, chi ngân sách mà Trung ương giao. Năm 2017, thu ngân sách của thành phố đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008; chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008.

Quan trọng hơn, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ và chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, du lịch… tiếp tục phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, liên tục trong 10 năm qua, Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là một khâu đột phá, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng liên tục kể từ năm 2012 đến năm 2017, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX của Hà Nội cũng luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước, năm 2017 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ riêng 2 năm 2016- 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã thu hút được gần 12,5 tỷ USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn 1986-2015, đưa Hà Nội tạm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đặc biệt, 7 tháng năm 2018 Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

Cùng với hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế, Hà Nội còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường…

Huân chương
Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ảnh: Khánh Linh

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018-2020 đạt trên 7,5%/năm, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp; GRDP bình quân/người đến năm 2020 đạt 140-145 triệu đồng; năng suất lao động bình quân tăng 6,5%/năm; tốc độ kim ngạch xuất khẩu 13-14%/năm; huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, TP Hà Nội đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm lớn. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế. Xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tự công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để hoàn thành hệ thống quản lý quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô trong tương lai gần…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương những kết quả mà TP Hà Nội đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

"Trước bối cảnh suy thoái, khủng hoảng của kinh tế thế giới và khó khăn chung của cả nước những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực để đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm lớn và là đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cấp, các ngành của Hà Nội, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được.

Để phát huy những kết quả trên và nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, "Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Khánh Linh