Quản lý tốt thẩm định giá, tối ưu sử dụng nguồn lực xã hội

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013), đây là bước đánh dấu sự phát triển mới của hoạt động TĐG ở nước ta, theo hướng phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu với kinh tế thế giới và khu vực.

Hệ thống văn bản pháp luật về TĐG về cơ bản đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ, từ các quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Giá, đến các quy định chi tiết tại nghị định của Chính phủ và hướng dẫn tại thông tư của Bộ Tài chính (2 nghị định, 12 thông tư). Bộ Tài chính cũng đã ban hành Hệ thống Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam bao gồm 13 tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với hoạt động TĐG, trong đó có quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp TĐG đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình…

Hoạt động thẩm định giá nhà nước ở địa phương đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỷ đồng.
Hoạt động thẩm định giá nhà nước ở địa phương đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỷ đồng.

Ngoài ra, để có một chiến lược tổng thể về lĩnh vực TĐG, năm 2014 Bộ Tài chính đã ban hành đề án “Nâng cao năng lực hoạt động TĐG của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”, tại Quyết định số 623/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và tính đến thời điểm hiện nay 8 nhóm nội dung của Đề án 623 về cơ bản đã hoàn thành theo mục tiêu đề ra.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ TĐG cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, minh bạch theo đúng quy định. Thực hiện 100% cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG theo thủ tục hành chính một cửa. Hàng năm đều thực hiện tốt quy định về cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá nhằm giúp thẩm định viên kịp thời nắm bắt các quy định mới liên quan đến ngành nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của thẩm định viên; cũng như tổ chức hội nghị để đối thoại giữa Bộ Tài chính với các giám đốc doanh nghiệp TĐG.

Bộ Tài chính luôn thực hiện đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính các thông tin liên quan đến danh sách doanh nghiệp TĐG được phép cung cấp dịch vụ TĐG; thông tin chi tiết về danh sách các thẩm định viên về giá của từng doanh nghiệp… Hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật TĐG cũng được chú trọng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chủ động trong công tác giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động TĐG, cũng như thường xuyên có văn bản nhắc nhở đối với các doanh nghiệp TĐG và thẩm định viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của mình.

1.462 thẩm định viên đang đăng ký hành nghề tại 279 doanh nghiệp

Về quản lý thẩm định viên về giá hành nghề, tại thời điểm 1/1/2022, Bộ Tài chính đã cấp 2.352 thẻ thẩm định viên về giá, trong đó có 1.462 thẩm định viên đang đăng ký hành nghề tại 279 doanh nghiệp thẩm định giá (TĐG) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG từ ngày 1/1/2022, trong đó, 6 doanh nghiệp có trên 20 thẩm định viên. Kể từ khi Nghị định số 12/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành số lượng doanh nghiệp TĐG cấp mới đã giảm đáng kể (tỷ lệ giảm 80% so với cùng kỳ 2020).

Về đình chỉ kinh doanh dịch vụ TĐG và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG, Bộ Tài chính đã tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ TĐG đối với nhiều doanh nghiệp, cụ thể: 10 doanh nghiệp năm 2017; 3 doanh nghiệp năm 2018; 12 doanh nghiệp năm 2019; 3 doanh nghiệp năm 2020 và 7 doanh nghiệp năm 2021…

Về hoạt động TĐG của nhà nước, việc quản lý TĐG nhà nước được giao cho các bộ, ngành và địa phương theo phân cấp, phân quyền quản lý ngân sách, quản lý tài sản công. Những năm gần đây, Bộ Tài chính chủ yếu thành lập các hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương. Hoạt động TĐG nhà nước ở địa phương được các UBND cấp tỉnh quy định cụ thể theo đặc điểm và giá trị của tài sản TĐG tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của các tỉnh. TĐG nhà nước ở địa phương cơ bản đã phát huy tốt hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài chính, tiết kiệm hoặc tăng thu cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

Nâng tầm công tác quản lý giá

Về xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về giá phục vụ công tác quản lý nhà nước về TĐG: Ngay từ năm 2018, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý giá chủ trì về mặt nghiệp vụ để thực hiện dự án “Xây dựng CSDL quốc gia về giá giai đoạn 1”. Dự án giai đoạn 1 đã đi vào vận hành thực tế tại các bộ phận thuộc phạm vi dự án và đã đạt được các kết quả. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai dự án “Xây dựng CSDL quốc gia về giá giai đoạn 2”. Phạm vi giai đoạn 2 của dự án sẽ kết nối với các bộ/ngành, cũng như triển khai tới tất cả 63 địa phương và khoảng 250 doanh nghiệp TĐG.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TĐG cũng được chú trọng từ giai đoạn đầu của ngành Giá thông qua việc tìm hiểu các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng như việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các cơ quan quản lý của nước bạn cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về TĐG giai đoạn vừa qua cũng còn một số tồn tại cần khắc phục, như: Hiệu quả của quản lý nhà nước về TĐG chưa như mong muốn; hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ với số lượng thẩm định viên tối thiểu; xuất hiện hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ…

Hoàn thiện công tác quản lý đến năm 2030

Giai đoạn trước mắt, ngành quản lý giá tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, nhất là quy định về điều kiện khi trở thành người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp TĐG; nghĩa vụ ký báo cáo kết quả TĐG, chứng thư TĐG của thẩm định viên về giá hành nghề.

Đồng thời, cơ quan quản lý giá rà soát Hệ thống tiêu chuẩn TĐG, hướng đến việc hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam; đảm bảo bộ Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam rõ ràng, trọng yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn TĐG quốc tế và khu vực (trình Bộ Tài chính ban hành 3 thông tư nhằm sửa đổi các tiêu chuẩn TĐG Việt Nam từ 1 đến 7 và ban hành 2 tiêu chuẩn mới); chú trọng xây dựng nội dung cập nhật kiến thức năm 2022 cho thẩm định viên về giá…

Cơ quan quản lý giá tiếp tục rà soát điều kiện hoạt động và điều kiện hành nghề của các doanh nghiệp và các thẩm định viên về giá để tổng hợp công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá sẽ tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động TĐG của doanh nghiệp TĐG, kèm với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ TĐG. Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra 80 doanh nghiệp TĐG, trong quá trình kiểm tra sẽ tiến hành đánh giá chất lượng hoạt động TĐG để phân loại doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động kinh doanh dịch vụ TĐG.

Về dài hạn, để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về TĐG cơ quan quản lý sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau: hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về TĐG, tiêu chuẩn TĐG Việt Nam; thực hiện chuyên môn hóa theo lĩnh vực tài sản thẩm định giá; hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về TĐG từ trung ương xuống địa phương, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề TĐG, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về giá…; tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng hoạt động TĐG và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về TĐG…