Thời gian gần đây, bên cạnh những bước tiến rất đáng mừng, thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, cụ thể là sau khi vượt Singapore và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan) về quy mô giao dịch thì đã quay đầu giảm mạnh trong 2 tháng gần đây, với vốn hóa mất khoảng 50 tỷ USD.

Cần cơ chế theo dõi giá cổ phiếu

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Hoài Thu - thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu thuộc Công ty Quản lý quỹ Vincapital, TTCK Việt Nam về dài hạn vẫn rất tiềm năng nhờ kinh tế tăng tưởng cao, ổn định. Lãi suất, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối tốt, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn tăng trưởng cao, trên 15% được xem là hấp dẫn so khu vực và những khu vực khác cùng khối cận biên thậm chí là mới nổi.

Bà Nguyễn Hoài Thu, chuyên gia tài chính đến từ VinaCapital chia sẻ giải pháp phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán. Ảnh Đỗ Doãn
Bà Nguyễn Hoài Thu - chuyên gia tài chính đến từ Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

"Việc thị trường bị bán tháo thời gian qua bắt đầu từ vài sự kiện riêng lẻ. Nhà đầu tư (NĐT) trong nước lo sợ nhưng NĐT nước ngoài hiểu trong dài hạn điều này sẽ tốt cho thị trường nên họ đã mạnh dạn giải ngân, chuyển từ bán ròng sang mua ròng tới 170 triệu USD từ đầu tháng 4. Ngoài ra, họ đang định giá cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn với P/E chỉ 10,6 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm tới. Đây là điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử TTCK Việt Nam. DN niêm yết đang được định giá rất hấp dẫn. Từ góc nhìn của NĐT nước ngoài, tôi thấy thị trường Việt Nam tiềm năng cả trong dài và ngắn hạn" - bà Hoài Thu nhận định.

Về kiểm soát, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán cần có cơ chế theo dõi những biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu DN giải trình. Bởi, DN không có hoạt động gì đột biến thì cổ phiếu không thể tăng trần liên tục được. Nếu kiểm soát chặt việc này sẽ hạn chế được giao dịch nội gián và tình trạng "bơm thổi" giá cổ phiếu do một hay vài nhóm NĐT nào đó thực hiện.

Đồng thời, cần quy định rõ hơn về thông tin nội gián, có quy chế chia sẻ thông tin sao cho công bằng với tất cả các NĐT. Ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián sẽ bị xử lý hình sự, còn ở ta chưa chặt chẽ nên vì quan hệ thân thiết, nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường, khi NĐT biết thì đã quá muộn.

Ngoài ra, cũng có thể không cho người nội bộ bình luận về giá cổ phiếu của DN mà họ đang quản lý, không được phép nói cổ phiếu rẻ hay đắt bởi dễ định hướng thị trường, hàm ý là họ chia sẻ thông tin trọng yếu trong khi ở nước ngoài không được phép.

‘‘Chúng ta cũng nên tách hoạt động tư vấn - phân tích của các công ty chứng khoán ra khỏi khối tự doanh để phía tự doanh không gây ảnh hưởng cho bộ phận phân tích và ngược lại. Bởi điều này không công bằng, minh bạch cho các NĐT. Điều này ở TTCK nước ngoài đã quy định rất rõ trong khi ở Việt Nam thì chưa…’’ – bà Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán. Ảnh Đỗ Doãn
Các diễn giả chia sẻ giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán. Ảnh Đỗ Doãn

Giảm margin, sửa đổi quy định mua cổ phiếu quỹ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng so với thế giới, TTCK Việt Nam đang bị biến động do nhiều yếu tố, trong đó có do đại dịch, xung đột chính trị và tâm lý NĐT cá nhân. Vì vậy, khi thị trường sụt giảm thì những NĐT không có kinh nghiệm bị thua lỗ, làm ảnh hưởng trở lại thị trường. Lúc cao điểm, dòng tiền ‘‘margin’’ đổ vào thị trường quá nhiều, đến khi thị trường giảm 20%, đã bị "call margin", đây là yếu tố làm thị trường giảm mạnh.

Với tiềm lực kinh tế Việt Nam thì VN-Index hoàn toàn có thể lên 2.000 điểm nhưng còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư, bởi thị trường hiện vẫn còn một số khiếm khuyết cần giải quyết. VAFI đang soạn thảo hệ thống các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn giúp lành mạnh TTCK. Theo đó, trong ngắn hạn, cần hạ mức giao dịch ký quỹ xuống để tránh áp lực tài chính cho NĐT bị "call margin" khi thị trường đi xuống, dễ gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm thiệt hại cho NĐT và cả thị trường. Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định hiện hành liên quan đến mua cổ phiếu quỹ của các DN niêm yết, do hiện nay các quy định còn khá rắc rối, trái thông lệ quốc tế…

‘‘Ngoài ra, việc nhiều NĐT không chuyên thời gian qua phó thác cho người môi giới công ty chứng khoán, trong khi đội ngũ môi giới này không phải ai cũng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Điều này khiến NĐT thua lỗ nặng khi mua bán theo tư vấn của những môi giới không chuyên này. Vì vậy phải có quy định giám sát chặt đội ngũ tư vấn ở các công ty chứng khoán…’’ – ông Nguyễn Hoàng Hải nói.