thep

Tổng công ty Thép hiện có vốn điều lệ là 6.780 tỷ đồng. Ảnh: T.L.

Nước lên, thuyền lên

6 tháng đầu năm 2021, VNSteel đạt doanh thu 20.529 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 971 tỷ đồng, tăng trưởng 282% so với 6 tháng đầu năm 2020. Đây là kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong bối cảnh các doanh nghiệp khác đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của VNSteel nếu đặt trong mối liên hệ với sự thuận lợi của ngành thép trong nửa đầu năm thì con số tăng trưởng của VNSteel cũng chưa hẳn là quá thần kỳ. Giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, nhưng xu hướng chung trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu là đi lên. Theo đó, các doanh nghiệp thép bỗng dưng được “trời cho” cơ hội vàng khi liên tục gặp thuận lợi nhờ nhập hàng đầu vào tại thời điểm giá thấp và bán hàng ra tại thời điểm sau khi mặt bằng giá thị trường đã tăng cao hơn trước. Kết quả là không chỉ VNSteel mà hầu hết các doanh nghiệp thép đều bội thu từ làn sóng tăng giá thép thời gian qua.

6 tháng đầu năm 2021, đại gia Hòa Phát đạt 66.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 67% so với cùng kỳ và lãi sau thuế gấp 3 lần, lên mức 16.723 tỷ đồng. Hoa Sen ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm tài chính (năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ ngày 1/10) là 33.061 tỷ đồng, tăng trưởng 71%; lợi nhuận sau thuế 3.372 tỷ đồng, tăng trưởng 381% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cả 2 đại gia Hòa Phát và Hoa Sen cũng không phải là những doanh nghiệp dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận khi so với vận tốc của nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác. Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC tuy chỉ là doanh nghiệp cỡ trung bình trong ngành thép, nhưng lại có một tốc độ tăng phi mã về lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SMC đạt 11.022 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 748 tỷ đồng, tăng cao gấp hơn 13 lần so với nửa đầu năm ngoái.

Dẫu vậy, SMC vẫn phải chịu lép vế với người anh em cùng ngành khác là Thép Nam Kim. Công ty này đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 11.877 tỷ đồng doanh thu, tăng 149% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 20 lần cùng kỳ năm trước, lên mức 1.166 tỷ đồng.

Chênh vênh sức khỏe tài chính của VNSteel

Trở lại câu chuyện tài chính của riêng VNSteel, mặc dù đại gia ngành thép cũng có thuận lợi chung trong “bữa tiệc” của ngành thép nửa đầu năm 2021, nhưng các số liệu tài chính khác của VNSteel lại bộc lộ nhiều con số đáng lo ngại cho các cổ đông doanh nghiệp này.

Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VNSteel ghi nhận mức âm lên tới 1.039 tỷ đồng. Thực tế, việc dòng tiền thuần trong kinh doanh âm cũng được ghi nhận ở một số doanh nghiệp thép khác do trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp phải dồn nguồn lực vốn tập trung cho việc nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Chẳng hạn như, Thép Nam Kim cũng bị âm dòng tiền kinh doanh 437 tỷ đồng, Thép Tiến Lên âm dòng tiền kinh doanh 64 tỷ đồng… Tuy nhiên, mức âm dòng tiền lên tới hơn nghìn tỷ đồng của VNSteel tỏ ra đáng quan ngại hơn cả trong số những doanh nghiệp nêu trên.

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh của VNSteel bị hút nhiều cho việc gia tăng hàng tồn kho, cộng một phần “mắc kẹt” trong các khoản phải thu của công ty.

Giá trị hàng tồn kho của VNSteel tại thời điểm 30/6/2021 là 6.025 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với thời điểm đầu năm 2021. Việc tăng hàng tồn kho trong giai đoạn cũng là xu hướng thông thường như nhiều doanh nghiệp thép khác, liên quan đến giá thép tăng cao khiến cho việc xác định giá trị hàng tồn kho cũng phải thay đổi theo mặt bằng mới của giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, điều này dù sao cũng khiến cho doanh nghiệp bị hút một nguồn lực tài chính đáng kể cho hàng tồn kho.

Trong tình huống này, các doanh nghiệp sẽ phải trông đợi từ việc thu tiền từ các hoạt động kinh doanh để bù đắp, đảm bảo cân đối dòng tiền. Tuy nhiên với VNSteel, hoạt động thu tiền cũng không được thuận lợi trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Số dư phải thu ngắn hạn của khách hàng tại thời điểm giữa năm của VNSteel là 2.820 tỷ đồng, tăng 38,6% so với tăng mức 2.035 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2021. Số liệu này cho thấy hoạt động thu tiền không những không bù đắp cho dòng tiền cho tích trữ nguyên liệu, mà dòng tiền cũng đang bị “mắc kẹt” nhiều hơn do chậm thu tiền hơn từ khách hàng. Đặc biệt, các khoản nợ xấu vốn đã ở mức cao trong giai đoạn trước, nay lại càng tiếp tục cao hơn.

Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi ghi nhận tại ngày 1/1/2021 là 516 tỷ đồng, đã tiếp tục tăng thêm gần 29% trong nửa đầu năm 2021 và đã đạt giá trị lên tới 665 tỷ đồng. Con số phải thu khó đòi này cao vượt trội so với nhiều doanh nghiệp thép khác, ví dụ như của Thép Nam Kim chỉ là 4,5 tỷ đồng, của Hoa Sen chỉ là 17 tỷ đồng…

Một số cái tên có các khoản nợ xấu đối với VNSteel với giá trị lớn gồm có Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam, Công ty TNHH Thương mại Lưỡng Thổ…/.

Số liệu kinh doanh và tài chính một số doanh nghiệp thép 6 tháng đầu năm 2021 (tỷ đồng)

VNSteel

Thép Nam Kim

Thép Tiến Lên

Hoa Sen (9 tháng)

Doanh thu

20.529

11.877

2.375

33.065

Lợi nhuận sau thuế

971

1.166

317

3.372

Các khoản phải thu ngắn hạn

2.541

3.135

117

3.765

Tỷ trọng các khoản phải thu/doanh thu

12,4%

26,4%

4,9%

10,1%

Các khoản phải thu khó đòi

665

4,5

181

17

Hàng tồn kho

6.025

5.958

2.119

11.646

Tỷ trọng hàng tồn kho/doanh thu

29,3%

50%

89,2%

35,2%

Dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh

-1.039

-437

-64

1.025


Chí Tín