Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Triển vọng quy hoạch vùng đô thị lớn” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức ngày 7/11, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34%. Đồng thời, cũng đang hình thành những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng là các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong đó trọng tâm là vùng Thủ đô Hà Nội; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trọng tâm là vùng TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn có một số khu vực thành phố tương đối lớn như TP Hạ Long, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP. Cần Thơ,… đang phát triển và có sức hút đầu tư mạnh mẽ và ảnh hưởng lan tỏa cho kinh tế vùng và quốc gia rất quan trọng.
Cũng theo Thứ trưởng, đô thị hóa tập trung, tạo động lực kinh tế - xã hội phát triển vừa là cơ hội, nhưng cũng là những thách thức rất lớn, bởi nguy cơ của sự phát triển quá năng động mất cân đối, lãng phí đất đai, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, dịch chuyển dân cư, lao động thất nghiệp, an ninh xã hội,…
Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc liên kết giữa các vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các vùng lân cận và các vùng kinh tế khác trong cả nước vẫn còn yếu. Ông Chính cho rằng, liên kết vùng không chỉ là vấn đề kết nối giao thông mà cần hướng đến lợi ích chung của các địa phương trong vùng, cần tạo nên những công trình mang tính hạt nhân có sức lan tỏa tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng.
“Chính phủ Việt Nam đang tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu quy hoạch các vùng đô thị lớn như Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng TP. Hồ Chí Minh, một mặt vừa đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đất nước trong điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, vừa phải tạo được sức cạnh tranh phát triển, hội nhập với Hệ thống đô thị lớn trên thế giới, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết./.
Thiện Trần