PQH

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp thứ 49 của UBTVQH.

Tại phiên họp thứ 49, ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về nhiều báo cáo của Chính phủ liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch tài chính 5 năm và tình hình KTXH, ngân sách năm nay và năm tới…

Trong khi thảo luận, ý kiến các đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP; việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2020 và điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước (NSNN); vấn đề nợ công, chỉ tiêu trần nợ công, bội chi NSNN năm 2020 – 2021, vấn đề giảm bội chi, nợ công cho giai đoạn tới; về ưu tiên chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; danh mục dự kiến phân bổ vốn đầu tư công năm 2021.v.v.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và cho rằng nội dung báo cáo khá sâu, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao.

Về tình hình kinh tế xã hội (KTXH) và NSNN, UBTVQH cho rằng, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến nước ta. Vì vậy, UBTVQH đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và đồng tình với Chính phủ mức tăng trưởng khoảng 2% - 2,5%.

Ngoài ra, nhận định về những tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp và giải quyết hiệu quả các tồn tại cũ, tháo gỡ các khó khăn mới cho doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ miễn giảm, giãn thuế đã được Quốc hội cho phép, tăng cường quản lý thu chi, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết và tập trung chi hiệu quả.

Với năm 2021, UBTVQH thống nhất với Chính phủ và cho rằng, Chính phủ cần đánh giá thận trọng hơn tình hình tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế như: khả năng chưa có vắc-xin; dịch bệnh cũng chưa thể kiềm chế; khả năng phục hồi của các doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa trở lại hoạt động bình thường; những thách thức nảy sinh do thiên tai, biến đổi khí hậu; an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; việc tham gia một số FTA có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Vì vậy, UBTVQH nhấn mạnh, việc Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 6% của năm 2021 đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu rất cao. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ: giải trình với Quốc hội về điều chỉnh GDP theo phương pháp tính mới; vấn đề giải ngân đầu tư công, chuyển nguồn; xử lý tích cực các công trình còn dở dang đảm bảo đúng tinh thần của Luật Đầu tư công và Luật NSNN; xử lý những tồn tại cũ, giải quyết nợ xấu ngân hàng; về giáo dục, y tế; nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19; về lao động, việc làm…

Về thực hiện kế hoạch KTXH 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, UBTVQH cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và nhận xét mặc dù đây là giai đoạn đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, không thể tránh khỏi những vướng mắc, tồn tại nhưng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đạt được kết quả tốt, đã bám sát tinh thần các nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, UBTVQH lưu ý, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành; vấn đề quản trị, cải cách thủ tục hành chính; về kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, UBTVQH đánh giá cao cố gắng của Chính phủ đã hoàn thành 15 mục tiêu trong tổng số 22 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là có 5 mục tiêu quan trọng liên quan đến nợ công, lao động trong nông nghiệp, năng suất các nhân tố tổng hợp và các khoản nợ của Chính phủ.

Đồng thời, UBTVQH lưu ý chất lượng cơ cấu lại nền kinh tế chưa vững chắc; khả năng độc lập tự chủ trong một số lĩnh vực còn phụ thuộc nước ngoài về nguyên liệu, công nghệ, thị trường; việc thực hiện quy hoạch chưa tốt; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hạn chế trong sử dụng tài sản công, tài chính công cũng như huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để tham gia vào sự phát triển của đất nước.

H.Y