Tiếp tục cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí quản lý bảo hiểm
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/7/2025. Ảnh: Quốc hội

Chi trả các chế độ đạt 1.340.000 tỷ đồng, tăng 16,6%

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình tại phiên họp cho biết, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức chi phí quản lý giai đoạn 2022 - 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán thấp hơn mức tối đa được trích và giảm bình quân 0,14%/năm so với mức cho phép. Số thực hiện là 36.921 tỷ đồng, giảm 2.342 tỷ đồng so với dự toán, đảm bảo để cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Liên quan đến kinh phí thực hiện chế độ Nghị định 178/2024/NĐ-CP cho người lao động, Chính phủ dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 2.500 cán bộ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, số lượng người nghỉ hưu, chế độ sẽ tiếp tục thay đổi và khó dự báo chính xác hơn. Để kịp thời bố trí kinh phí cho người lao động, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh mức chi theo thực tế và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Cụ thể, về đối tượng tham gia, đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 hàng năm. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng bình quân 6,8%/năm, cuối năm 2024 đạt tỷ lệ là 42,71% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân là

6,4%/năm, cuối năm 2024 đạt tỷ lệ là 34,19% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng bình quân là 2,5%/năm, cuối năm 2024 đã đạt tỷ lệ bao phủ là 94,29% dân số.

Tổng số thu các chế độ cả giai đoạn là 1.548.000 tỷ đồng, tăng gần 13,3% so với giai đoạn 2019 - 2021, tăng bình quân là 11,4%/năm so với thực hiện giai đoạn 2020 - 2022. Tổng số chi trả các chế độ cả giai đoạn là 1.340.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với giai đoạn 2019 - 2021, tăng bình quân là 9,5%/năm so với thực hiện giai đoạn 2020 - 2022. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chi trả không dùng tiền mặt tại các khu vực đô thị đạt 80%, vượt 20% chỉ tiêu được giao.

Tổng số dư các quỹ bảo hiểm lũy kế đến hết năm 2024 là 1.468.000 tỷ đồng, tăng 337.600 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với cuối năm 2021.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nêu ra những nội dung còn hạn chế, khó khăn. Đó là chưa ban hành được giá dịch vụ tư vấn việc làm, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nên chi phí quản lý phải căn cứ vào định suất lao động. “Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành giá dịch vụ để làm căn cứ chi trong thời gian tới” - Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, chi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin giải ngân chưa đạt 100% dự toán giao; chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chưa đạt như kỳ vọng…

Tiếp tục kéo giảm chi phí quản lý trong giai đoạn 2025 - 2027

Tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất mức chi bình quân giai đoạn 2025 - 2027 là 1,28%, giảm 0,12% so với giai đoạn thực hiện 2022 - 2024. Về số tuyệt đối dự kiến tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022 - 2024.

Nguyên nhân tăng là do tăng chi chế độ cho người lao động theo Nghị định số 178; tăng chi nhiệm vụ chuyên môn do tăng số lượng tham gia và thụ hưởng chế độ bình quân trong giai đoạn 2025 - 2027. Theo số liệu Chính phủ cung cấp, số người hưởng lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tăng 11,1%; người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 13,1%; số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng 22,8%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 17,3%; số người tham gia bảo hiểm y tế tăng bình quân là 5,3%/năm so với giai đoạn 2022 - 2024.

Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng tăng 84% so với giai đoạn 2022 - 2024, phù hợp với việc sắp xếp bộ máy và không trùng lắp Đề án số 06 về dữ liệu dân cư cũng như Nghị quyết số 175 về Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Về tiền lương, mức chi tiền lương hiện hưởng của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 09 bằng 1,8 lần với lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Từ năm 2025, khi lương cơ sở tăng hơn 2,34 triệu đồng tiền lương của ngành bảo hiểm xã hội chỉ tương đương là 1,23 lần, thấp hơn công chức.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng mức tiền lương và phụ cấp bao gồm các phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực như công chức để phù hợp sau khi Bảo hiểm xã hội là đơn vị thuộc Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tham gia xây dựng chính sách.

Để động viên, khích lệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đề xuất cho phép phần chênh lệch tăng thêm khi vượt dự toán được bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi cho người lao động theo cơ chế tài chính do Chính phủ quy định.

Chính phủ đề xuất nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và áp dụng cho năm tài chính 2025.

Lãi từ hoạt động đầu tư quỹ tăng 4,9%

Đánh giá về việc thực hiện mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2022 – 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đánh giá, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc quy định về tiết kiệm chi ngay từ khâu xây dựng dự toán, chủ động rà soát, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, giao dự toán thấp hơn so với Nghị quyết số 09.

Cụ thể, tổng chi phí quản lý BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024 là 36.920,9 tỷ đồng, thấp hơn 2.342 tỷ đồng so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 1.661,8 tỷ đồng so với giai đoạn 2019 - 2021.

Việc chi trả chế độ BHXH, BHTN không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, tới khoảng 81% người thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, cũng như đã tích hợp tài khoản ứng dụng định danh điện tử (VneID) với BHXH số (VssID).

Đặc biệt, tiền lãi từ hoạt động đầu tư quỹ (trừ chi phí đầu tư tài chính) khoảng 146 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với giai đoạn 2019 - 2021. Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng.

Về sắp xếp bộ máy, từ năm 2022 đến nay, đã giảm hơn 2.600 biên chế, giảm 90% thủ tục hành chính, luân chuyển hồ sơ trong nội ngành. Tỷ trọng chi tiền lương trên tổng chi thường xuyên giảm đáng kể (từ 75% giai đoạn 2022 - 2024, dự kiến còn 62% giai đoạn tới). Như vậy, dẫn tới bình quân chi tiền lương so với tổng chi giảm từ 26% xuống 17,7% (tính bình quân theo giai đoạn).

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có việc số người tham gia BHXH thực tế trong giai đoạn 2022 - 2024 đều thấp hơn so với chỉ tiêu mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về chi phí quản lý BHXH, BHTN.

Giải trình một số nội dung được nêu trong báo cáo thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua tốc độ tăng của các đối tượng bảo hiểm không đạt cao như giai đoạn trước, do khi sắp xếp tổ chức bộ máy dự kiến có khoảng gần 230.000 người lao động nghỉ việc. Do vậy, cần phải có thời gian để một bộ phận người lao động quay trở lại làm việc và điều này cũng tác động đến cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm để đạt được các mục tiêu của Trung ương về phát triển đối tượng BHXH đến năm 2030. Đó là 60% lực lượng tham gia BHXH, 45% lực lượng lao động tham gia BHTN và trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Để hoàn thành được mục tiêu này, BHXH phải nỗ lực phát triển các đối tượng tham gia tự nguyện để bù đắp đối tượng tham gia bắt buộc đã bị sụt giảm.