alt

Đây là dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô 2016 tại báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG).

Áp lực tỷ giá thời gian tới khá lớn

Theo đó, Ủy ban này cho rằng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn đã có dấu hiệu chậm lại từ quý 4/2015. Dựa trên tình hình kinh tế những tháng gần đây, mức cải thiện về tăng trưởng của năm 2016 dự báo sẽ không cao như năm 2015.

Cụ thể, UBGSTCQG đánh giá tình hình kinh tế năm 2016 có nhiều thuận lợi như các hiệp định thương mại được ký kết, đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài khả quan hơn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ triển khai các Luật mới ban hành và sửa đổi.

Tuy nhiên, các thách thức đối với tăng trưởng là không nhỏ như xu hướng tăng chậm lại của khu vực nông sản thủy sản và xuất khẩu nông sản; khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế; cổ phần hóa và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.

Trong khi đó, lạm phát hiện vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Tháng 1/2016, lạm phát ở mức 0,8% (so cùng kỳ), tăng nhẹ so với tháng trước. Lạm phát thấp do giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản cũng duy trì xu hướng giảm nhẹ kể từ quý 3/2015, còn 1,8% vào tháng 1/2016.

Về thị trường ngoại hối ổn định, chính sách tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước áo dụng từ đầu năm 2016 là một chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt hơn các biến động khó lường của thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế năm 2016. Tỷ giá biến động theo xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung khá tốt (như kiều hối), trong khi cầu ngoại tệ nhập khẩu giảm (do yếu tố mùa vụ).

Tuy nhiên, UBGSTCQG vẫn cho rằng áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng nhân dân tệ nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và việc làm của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà đầu tư bán ròng không phải là rút vốn khỏi thị trường

Đánh giá về lĩnh vực ngân hàng, báo cáo cho biết mức tăng trưởng tín dụng vẫn tăng khá, cơ cấu tín dụng chuyển động theo hướng tích cực. Cả năm 2015, tín dụng tăng 18% (nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng ở mức 19,3%), cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (13% - 15%). Trong đó tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).

Trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng, nhu cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn tăng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ. Chính sách lãi suất chênh lệch giữa đồng USD và VND đã phát huy tác dụng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả năm giảm -12,9% so với cùng kỳ 2014.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Tỷ lệ LDR của toàn hệ thống ở mức 80,9%, mức an toàn cao về thanh khoản. Thanh khoản đối với VND và ngoại tệ lần lượt ở mức 83,5% và 64,1%, ở giới hạn an toàn thanh khoản. Hiệu quả kinh doanh tuy còn thấp (do trích lập dự phòng rủi ro) nhưng đã phục hồi nhẹ so với năm 2014.

Đối với thị trường chứng khoán, UBGSTCQG cho rằng áp lực từ việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và tác động từ thị trường chứng khoán thế giới đã gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đồng nghĩa với rút vốn ra khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng trở lại khi thị trường tài chính quốc tế bình ổn trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định./.

D.A