Phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá như thế nào về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2025?

Phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế

TS. Nguyễn Bích Lâm: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bình quân qua các tháng trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng ổn định ở mức khoảng 7,2%, cao hơn khoảng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng của thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Theo dõi sát diễn biến giá cả, duy trì sức mua

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) lưu ý, trong 6 tháng cuối năm 2025 cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chi phí đầu vào và tâm lý tiêu dùng để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sức mua.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng trong nước thay đổi với chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Số liệu thống kê giai đoạn 2021-2024 và 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng. Năm 2021, người dân chi cho dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 8,3% trong tổng mức bán lẻ, chi cho du lịch lữ hành chiếm 0,2% trong tổng mức bán lẻ; đến năm 2023 hai chỉ tiêu này tăng lên 11,1% và 1,1%. Xu hướng tiêu dùng này tiếp tục được khẳng định và tăng lên 11,5% và 1,2% năm 2024. Hai chỉ tiêu này của 6 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 12% và 1,3%.

PV: Theo ông, đâu là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Có nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế. Với thực tiễn tình hình và đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay, có 5 nhóm yếu tố chính tác động mạnh, thúc đẩy tiêu dùng.

Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu: Với chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp, hài hòa với thực tiễn tình hình kinh tế trong nước. Chính phủ tăng chi tiêu thường xuyên, giảm thuế thu nhập người dân và doanh nghiệp; cắt giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát thành công lạm phát trong thập kỷ qua.

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu giúp duy trì sức mua của nền kinh tế; cùng với kinh tế tăng trưởng cao, ổn định, nâng thu nhập và mức sống của người dân là các yếu tố quan trọng thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế.

Thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, quy mô tiêu dùng ngày càng mở rộng. Việt Nam có thị trường tiêu dùng trên 100 triệu dân và khoảng 20 triệu khách du lịch quốc tế. Cơ cấu dân số trẻ, với 62% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao. Lao động có việc làm chiếm 97,9% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Nói cách khác, khoảng trên 50% dân số Việt Nam trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất và có thu nhập thường xuyên, ổn định. Đây là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng quy mô của nền kinh tế.

Tầng lớp trung lưu - động lực tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế đã hình thành và phát triển nhanh, ấn tượng trong những năm qua. Tỷ lệ tầng lớp trung lưu năm 2022 ở mức 13% dân số và dự báo tăng lên 26% vào năm 2026, chiếm hơn 55% dân số vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu với mức thu nhập cao hơn trong cộng đồng ngày càng tăng sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, tạo ra một thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, đặc biệt cho các ngành bán lẻ, bất động sản và dịch vụ…

Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định cũng là nền tảng, gốc rễ thúc đẩy tiêu dùng, bởi vì tăng trưởng cao, ổn định tạo thu nhập ổn định và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Mặc dù kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2024 tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đặt ra nhưng thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2024, GDP tăng 7,09% cao hơn mục tiêu Quốc hội thông qua 6% - 6,5%; năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, cao hơn mục tiêu ban đầu 6,5% x 7% và phấn đấu mức tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030.

PV: Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, cần có sự tăng trưởng 12% trong tiêu dùng nội địa, nhưng làm sao để thúc đẩy tiêu dùng từ đó thúc tăng trưởng, thưa ông?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế có tác động qua lại, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau. Cùng với việc phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế, thời gian tới Chính phủ cần làm mới động lực tiêu dùng, có các biện pháp kích cầu mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trước tiên, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, đây là điều kiện cần để tạo niềm tin người tiêu dùng, phát huy hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với giải pháp giảm 2% thuế VAT. Theo tính toán, giảm 2% thuế VAT sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,8 điểm phần trăm với điều kiện kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, để tránh lạm phát kỳ vọng tác động tiêu cực đến sức mua; kiểm soát việc tăng giá trong các mùa cao điểm của một số sản phẩm đặc thù nhằm khuyến khích và thu hút dân cư chi tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt, giảm thiểu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu. Tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại, tận dụng tối đa thời điểm vàng trong mùa du lịch, các dịp lễ lớn của đất nước để thúc đẩy sức mua của người dân.

Song song đó, cơ cấu lại nền kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng cân bằng hơn giữa đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Thực hiện đầu tư công với cơ cấu hợp lý giữa phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh, tạo dựng mô hình kinh tế mới ưu việt thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững…

Thực hiện các giải pháp này, cùng với phát huy tối đa động lực tăng trưởng từ đầu tư và xuất khẩu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất có thể trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thương mại điện tử phát triển góp phần thúc đẩy tiêu dùng

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, thương mại điện tử phát triển mang lại sự thuận tiện tối đa, thuận tiện trong thanh toán, gia tăng sự trải nghiệm của khách hàng, thực hiện trên nhiều lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực vẫn đang đối mặt với những khó khăn, song thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng ấn tượng, đạt mức tăng từ 18%-25% mỗi năm.

Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.

Năm 2025 với những thay đổi sâu sắc và toàn diện về xây dựng, thực thi chính sách và văn bản pháp luật về thương mại điện tử; với một loạt văn bản pháp luật, chính sách như: Luật Thương mại điện tử, pháp luật về thuế, xuất khẩu trực tuyến… sẽ được ban hành và có hiệu lực, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, là một kênh quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển kinh tế.