Kênh dẫn vốn, động lực tăng trưởng kinh tế
Việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ mở ra kênh huy động vốn hiệu quả, đặc biệt là vốn quốc tế. Đối với các doanh nghiệp xanh giúp huy động vốn thông qua các sàn giao dịch như sàn chứng chỉ các-bon và sàn giao dịch hàng hóa.
![]() |
Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn khởi đầu. Ảnh minh hoạ. |
Ông Nguyễn Hồng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), chia sẻ, trung tâm sẽ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, bao gồm cả hạ tầng cứng (như khu vực 9,2 ha được quy hoạch) và hạ tầng mềm (như các dịch vụ tài chính). Điều này tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, trung tâm sẽ mang lại cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vận hành các dịch vụ tài chính theo chuẩn quốc tế.
Hiện tại, dự án Trung tâm tài chính quốc tế đang ở giai đoạn khởi đầu có nền tảng pháp lý cơ bản từ Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế. |
“Đối với HFIC, tham gia với vai trò nhà đầu tư chiến lược trong Trung tâm Tài chính quốc tế là cơ hội để khẳng định vị thế, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế khi thấy sự hiện diện của một doanh nghiệp nhà nước uy tín. HFIC sẽ phối hợp với các công ty thành viên, như Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) và các ngân hàng, để phát triển các sản phẩm tài chính đặc thù, chẳng hạn như sàn giao dịch chứng chỉ các-bon” – ông Văn nói.
Ông Renat Bekturov - Thống đốc Trung tâm Tài chính Astana, Kazakhstan nhận định: “Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển rất lớn vẫn chưa được khai thác hết. Ví dụ, quy mô kinh tế tài chính của Việt Nam hiện khoảng 500 triệu USD, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. TP. Hồ Chí Minh cũng là một trung tâm kinh tế quan trọng và tôi đã thấy nhiều tổ chức tài chính toàn cầu hiện diện tại đây, như J.P. Morgan. Điều này cho thấy thành phố này đang dần trở thành một đầu mối tài chính quốc tế. Nhưng điều quan trọng là phải liên tục đổi mới và đồng hành cùng sự phát triển, để không bị tụt lại phía sau”.
Cơ hội cho doanh nghiệp, lợi ích cho cộng đồng
Trung tâm tài chính quốc tế mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong các ngành chủ chốt như logistics.
Ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam chia sẻ, ngành logistics đóng vai trò như xương sống của thương mại toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nơi hoạt động xuất nhập khẩu đang phát triển mạnh mẽ. Trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại những tác động tích cực, hỗ trợ ngành logistics đáp ứng các xu hướng hiện đại như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo ước tính sơ bộ, nhu cầu vốn để chuyển đổi số trong ngành logistics dao động từ 5 đến 7 tỷ USD, trong khi chuyển đổi xanh cần từ 5 đến 10 tỷ USD, tổng cộng khoảng 10 đến 17 tỷ USD.
“Đây là con số rất lớn, đặc biệt khi 95% doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Khoa, Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tài chính đa dạng, như tài chính chuỗi cung ứng (supply chain finance) hay các giải pháp tài chính xanh, giúp doanh nghiệp logistics dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp logistics tối ưu hóa hoạt động, nắm bắt cơ hội kinh doanh mà trước đây họ phải từ bỏ do thiếu vốn.
Hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 10 - 16% tổng chi phí, đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn cao hơn mức trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (12-14%) và toàn cầu (khoảng 12%).
“Việc phối hợp với các doanh nghiệp tài chính trong trung tâm sẽ giúp ngành logistics tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành, thông qua các sản phẩm tài chính đặc thù như bảo hiểm logistics, bảo lãnh thông quan, hay các giải pháp tài chính sáng tạo khác mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được” - ông Khoa nói.
![]() |
Trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ. |
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “Trung tâm sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy thị trường vốn, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài trợ hiện nay. So với các thị trường phát triển và mới nổi, nơi thị trường vốn đóng góp tới 80% nhu cầu tài chính của doanh nghiệp, thị trường vốn Việt Nam vẫn còn hạn chế".
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết những thách thức không nhỏ. Ông Minh chỉ ra rằng: “Việc hiện thực hóa trung tâm vừa gần vừa xa. Gần ở chỗ Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thông qua các nghị quyết và mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số từ 2025 đến 2030. Nhưng xa ở chỗ danh mục hàng hóa trên thị trường vốn Việt Nam còn hạn chế, và các sản phẩm tài chính chưa đủ đa dạng và liên thông để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế. Do đó, để khắc phục, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hoàn thiện cơ chế pháp lý và phát triển các sản phẩm tài chính mới.”
Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Hồng Văn cho biết, giai đoạn đầu sẽ tận dụng đội ngũ chất lượng cao từ khu vực tư nhân và các chuyên gia quốc tế. TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tuyển chọn, đào tạo và phát triển nhân sự có kỹ năng và kinh nghiệm, nhằm xây dựng đội ngũ nòng cốt đủ khả năng vận hành trung tâm theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong dài hạn, cân xây dựng đội ngũ nhân sự đáp ứng tiểu chuẩn quốc tế để phục vụ tại Trung tâm Tài chính quốc tế ở Việt Nam. |