Đây cũng là đánh giá chung của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014/2015 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ cà phê 2015/2016 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/12/2015.

Ảm đảm về số lượng và giá

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, tại Việt Nam, niên vụ cà phê 2014/2015 đã thu hoạch xong, sản lượng giảm trên 20% so với niên vụ trước. Nguyên nhân giảm do thời tiết thay đổi, hạn hán nghiêm trọng trong thời kỳ cà phê phát triển, mưa đến sớm khi thu hoạch, cà phê ra hoa không tập trung. Mặc dù Việt Nam cũng đã có chương trình tái canh cho các vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi, tuy nhiên vì nhiều lý do khiến quá trình tái canh diễn ra khá chậm khiến diện tích cà phê năng suất xuống thấp càng tăng.

Bên cạnh đó, giá cà phê biến động liên tục cũng khiến ngành Cà phê càng gặp khó khăn hơn. Ông Phạm Ngọc Băng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dakman Việt chia sẻ: “Đầu vụ, giá ở mức cao, sau đó đi xuống nhanh chóng. Từ tháng 3 mức giá cà phê nội địa trung bình chỉ khoảng 38 triệu đồng/tấn. Sang tháng 7 giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36,6 triệu đồng/tấn. Tháng 9 cũng là tháng cuối nhưng giá không đi lên mà còn rớt thảm hại, chỉ còn 35,4 triệu đồng/tấn”, ông Băng nói.

Lý giải tình trạng này, ông Băng cho rằng, nguyên nhân do tỷ giá đồng VND và USD ngày một tăng cao khiến giá cà phê khó lòng phục hồi ngay cả khi đã cuối vụ.

cà phê
N iên vụ cà phê 2014/2015 đầy biến động với giá cà phê lên xuống liên tục, sản lượng sụt giảm trên 20% so với niên vụ trước. Ảnh T.L minh họa

Cũng theo phản ánh của Câu lạc bộ các Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (G20), niên vụ vừa qua là một năm đầy khó khăn của ngành Cà phê. Giá cà phê nhân giảm liên tiếp do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên, các nước xuất khẩu cà phê phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường lên xưống thất thường. Giá xuất khẩu hiện nay chỉ còn 1.800 USD/tấn so với thời điểm cao 2.100 -2.220 USD/tấn của vụ trước, như vậy giảm 300-400 USD/tấn. Giá nội địa biến động chậm nên một số doanh nghiệp xuất khẩu bị thua lỗ do không có đủ nguồn hàng trong kho và do thị trường biến động quá nhanh không theo kịp.

Tại hội nghị, các đại biểu tỏ ra quan ngại, nếu thị trường cà phê không phục hồi thì nguy cơ người nông dân sẽ bỏ mặc vườn hoặc chặt bỏ cây, chuyển sang trồng các cây khác được giá hơn.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Để khôi phục lại thị trường cà phê, theo các đại biểu, thời gian tới cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Đây là mục tiêu phấn đấu của ngành Cà phê trong niên vụ 2015/2016, bằng cách thông qua nhiều chương trình quảng cáo, lễ hội, tháng thử nếm và uống cà phê.

“Thực tế, lượng cà phê nhân tiêu dùng trong nước đã tăng từ 5-7% năm 2010, lên trên 10% trong năm 2015, như vậy mục tiêu 15% vào năm 2020 có thể sẽ đạt dược. Điều đó có nghĩa lượng cà phê nhân xuất khẩu ngày một một giảm, cà phê chế biến ngày một tăng lên để nâng cao giá trị gia tăng”, ông Tự nhấn mạnh.

Song song đó, “Vicofa sẽ phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính đàm phán mở cửa thị trường cà phê chế biến, giảm thuế nhập khẩu sản phẩm chế biến tạo điều kiện tăng đầu tư vào chế biến rang xay và cà phê hòa tan trong nước và xuất khẩu”, ông Tự cho biết thêm.

Bên cạnh nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, ông Tự còn cho rằng, các doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với người sản xuất và kinh doanh cà phê, tạo sự gắn kết lợi ích giữa người trồng cà phê với người xuất khẩu, gắn với thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận vốn vay của ngân hàng cho sản xuất kinh doanh, tái canh cây cà phê theo Chương trình Tái canh cà phê năm 2016 của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, để tránh tình trạng giá cà phê bị giảm liên tục, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (tỉnh Đắck Lắc) khuyến cáo, “người trồng cà phê và các doanh nghiệp không nên bán hàng quá xa khi không có hàng thực trong kho và khi bán trừ lùi phải có biện pháp quản lý rủi ro”./.

Phúc Nguyên