Thị trường tiền tệ tuần 31/3 - 4/4: "Bão" thuế quan từ Mỹ đẩy tỷ giá lên đỉnh mới Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Doanh nghiệp cần bình tĩnh và chủ động Thủ tướng: Đề nghị Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế quan mới ít nhất 45 ngày để có thời gian trao đổi

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa đưa ra một số bình luận về động thái áp thuế từ Mỹ và ảnh hưởng lên một số ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.

Khách hàng FDI và xuất khẩu chiếm 7% dư nợ toàn ngành

Ngày 2/4, Tổng thống Trump công bố sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng hoá từ tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng, hiệu lực từ ngày 9/4, đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, loại trừ một số mặt hàng có tầm quan trọng với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Thuế quan áp dụng dựa trên đánh giá về khả năng thao túng tiền tệ và rào cản thương mại từ Việt Nam là 90% và thuế đối ứng mà quốc gia này áp cho Việt Nam là 46%. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia bị đánh thuế cao nhất, dự kiến mức thuế này sẽ tiếp tục có sự thay đổi sau cuộc đàm phán vào ngày 9/4.

Dự báo tín dụng trụ vững trước sóng thuế quan Mỹ, tỷ giá đối mặt áp lực ngắn hạn
Dự báo tín dụng trụ vững trước sóng thuế quan Mỹ, tỷ giá đối mặt áp lực ngắn hạn. Ảnh tư liệu.
"Tuy nhiên, tác động không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ FDI chiếm khoảng 2%. Các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV). Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như: VPBank, Techcombank, MB cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này" - VCBS đánh giá.

Theo đánh giá của VCBS, các ngân hàng chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.

Thống kê của TBTCVN cũng cho thấy, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FDI hiện đang phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các ngân hàng quốc doanh.

Tính đến cuối năm 2024, Vietcombank dẫn đầu với dư nợ FDI đạt 147.778 tỷ đồng, tương đương 10,2% tổng dư nợ. Tiếp theo là VietinBank với 99.486 tỷ đồng (5,78%), BIDV đạt 72.708 tỷ đồng (3,54%).

Thống kê tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, dù đang tích cực mở rộng tiếp cận nhóm khách hàng FDI, tỷ trọng dư nợ vẫn ở mức thấp. Đơn cử, MB là 18.816 tỷ đồng (2,42%); Techcombank đạt 12.167 tỷ đồng (2,01%); VPBank ghi nhận dư nợ FDI ở mức 3.770 tỷ đồng (0,54%).

Lo biến động tỷ giá ngắn hạn

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 được tổ chức ngày 8/4, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB nhận định, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ có thể tạo ra những tác động nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, có thể gây tác động đến tổng cầu, tỷ giá, dòng vốn đầu tư và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nước.

Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao

"Chúng tôi thấy rằng các chính sách thuế mà Mỹ vừa đưa ra chưa có ảnh hưởng sâu sắc đến danh mục khách hàng cho vay của ACB. Do đó, dù thị trường đang tồn tại những khó khăn thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, song chúng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16-18%” - lãnh đạo ACB khẳng định.

Tuy nhiên, ngay sau khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được công bố, ACB chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và sẵn sàng thích ứng với mọi biến động của thị trường. Về danh mục khách hàng, dư nợ tín dụng của ACB dành cho khách hàng cá nhân chiếm tới 65% tổng dư nợ, trong khi nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 29%.

Riêng nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, vốn chiếm tới 50% quy mô tín dụng của toàn thị trường nhưng tại ACB chỉ chiếm khoảng 9% tổng danh mục cho vay.

Tính đến cuối năm 2024, nhóm khách hàng FDI mới chiếm khoảng 1% tỷ trọng trong tổng dư nợ 580.686 tỷ đồng, tương ứng cho vay 5.386,5 tỷ đồng tại ACB. Theo lãnh đạo ACB, đây là một phân khúc giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển mở rộng.

Việc duy trì tỷ trọng dư nợ FDI ở mức thấp giúp giảm thiểu nguy cơ lan rộng rủi ro tín dụng từ nhóm doanh nghiệp nhạy cảm với biến động thương mại.

Cũng theo VCBS, các yếu tố ổn định vĩ mô như: lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ được đảm bảo, song tỷ giá có thể chịu áp lực nhất định trong thời gian tới.

"Trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế" - VCBS đánh giá.

Dự báo tín dụng trụ vững trước sóng thuế quan Mỹ, tỷ giá đối mặt áp lực ngắn hạn
Nguồn: VCBS.

Mặc dù vậy, VCBS vẫn kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Khác với một số quốc gia có động thái trả đũa ngay lập tức, hiện Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc dài hạn, tránh căng thẳng thương mại và không trả đũa ngay lập tức.

Việt Nam cũng đề xuất phía Mỹ xem xét hoãn áp dụng thuế đối với hàng hóa Việt Nam trong thời gian tối thiểu 45 ngày nhằm tạo điều kiện cho quá trình đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp phù hợp. Đồng thời, Việt Nam mong muốn thúc đẩy tiếp cận và đối thoại với phía Mỹ để tiến tới một thỏa thuận song phương, hướng tới cân bằng thương mại bền vững, cùng có lợi.

Mục tiêu là đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hai quốc gia, chia sẻ rủi ro, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng của cả hai bên, đồng thời không làm phương hại đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện.

Bên cạnh các động thái đang được đàm phàn và thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng cố nội lực tăng trưởng trong nước, được kể đến như: đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ; tất cả hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong giai đoạn sắp tới./.