Thu hoạch lúa. Ảnh minh họa |
Thị trường trong nước
Giá lúa gạo ngày 7/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm với cả mặt hàng gạo và lúa. Giá gạo giảm từ 100 - 250 đồng/kg. Giá lúa giảm 100 đồng/kg.
Cụ thể, tại các địa phương như Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… hôm nay nhu cầu mua lúa Thu Đông chậm, vắng người mua, giá lúa các loại tiếp tục giảm, giao dịch chậm.
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, giá lúa hôm nay ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua, IR 50404 giá ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 8.300 - 8.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 8.300 - 8.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 380 dao động 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Thị trường nếp duy trì đi ngang so với ngày hôm qua. Trong đó, nếp IR 4625 (tươi) 7.400 - 7.600 đồng/kg, ổn định so với ngày hôm qua. Nếp An Giang (tươi) 7.000 - 7.200 đồng/kg, đi ngang so với ngày hôm qua.
Trên thị trường gạo, hiện gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu xuống mức 10.750 - 11.100 đồng/kg, giảm 100 - 250 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 xuống mức 13.100 - 13.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 6.700 – 9.300 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 xuống mức 8.700 - 9.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; giá cám khô xuống mức 6.700 - 6.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.000 - 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu
Gá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 452 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 575 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 535 USD/tấn.
Thông tin đáng chú ý trên thị trường gạo thế giới là nhu cầu gạo ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ, do lượng khách du lịch kỷ lục cũng như nhu cầu trong nước mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và hạn chế mua hàng.
Nhu cầu tăng trưởng, cùng với vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, đã khiến một số siêu thị hết sạch gạo. Các nhà phân phối đã có động thái tăng giá thực phẩm chủ lực của Nhật Bản.
Trong khi đó, mặc dù lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, nhưng gạo dành cho xuất khẩu lại không thể được sử dụng trên thị trường trong nước vì tại Nhật Bản, trợ cấp của chính phủ gắn liền với sản lượng gạo.
Chính phủ Nhật Bản coi gạo là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính và đã sử dụng trợ cấp để khuyến khích nông dân trồng lúa xuất khẩu. Khoản trợ cấp này lên tới 40.000 yen (279 USD)/1.000 mét vuông lúa. Việc sử dụng lúa trồng bằng trợ cấp là cố định nên nếu gạo được sử dụng cho thị trường nội địa thì nông dân phải hoàn lại tiền./.