Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/11.

Tăng thời hạn vắc-xin không ảnh hưởng đến chất lượng

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc gia hạn sử dụng vắc-xin đang được dư luận quan tâm thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc gia hạn này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Từ thời điểm FDA và EMA phê duyệt nói trên, các lô vắc-xin Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc-xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc-xin lên 9 tháng.

"Trong thời gian tới, nhà sản xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo ổn định, chất lượng, nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng của vắc-xin có thể lên tới 12, 18 hoặc 24 tháng"- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại cuộc họp báo

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong quá trình vận chuyển vắc-xin từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vắc-xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất.

Tất cả các lô vắc-xin trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.

Biến chủng mới có thể khiến các nước thận trọng trong mở lại đường bay

Tại cuộc họp báo, một vấn đề khác cũng được quan tâm là kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế tới đây. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế xã hội, giao thương cũng như đi lại của người dân dịp cuối năm.

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến mở đường bay trở lại. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kết nối với Việt Nam thì còn có 10 quốc gia khác và phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và của các thị trường đó.

Điều kiện mở chuyến bay phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỉ lệ tiêm vắc xin cho người dân để miễn dịch cộng đồng và quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối. Trong đó, hộ chiếu vắc-xin là công cụ để chúng ta mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác.

“Mở với quốc gia nào chúng ta phải có sự đồng thuận của quốc gia đó”- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết và khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với các quốc gia trên cơ sở lộ trình đưa ra và quyết định trên cơ sở đồng thuận các quốc gia.

Tại kế hoạch đã trình, dự kiến từ tháng 12 hoặc đầu năm 2022 có thể mở các chuyến bay. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc xuất hiện biến chủng mới của virus Corona là một yếu tố khiến tất cả các nước thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ.

5 nhóm giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

Liên quan đến nội dung gói phục hồi kinh tế-xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay.

Về cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Về yêu cầu "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình thực tế, một số giải pháp có thể phải kéo dài thêm. Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 3 yếu tố "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm. Công cụ để thực hiện các giải pháp chủ yếu tập trung vào tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân...