GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công trượt dài theo các khoản chi

Nguyễn Công Nghiệp
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp

“Thực tế, các khoản vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công đã có những tác động tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước, xóa đói giảm nghèo sau 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ nợ công, đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP đang tăng rất nhanh.

Thu NSNN khó khăn trong khi tốc độ chi tăng nhanh làm cho việc cân đối NSNN hết sức căng thẳng, bị động. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn vay có những biểu hiện lãng phí, tiêu cực và kém hiệu quả, một số khoản vay do Chính phủ đã không thu xếp được nguồn để trả nợ khi đến hạn.

Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết thấu đáo những mặt tiêu cực của nợ công

Như các chuyên gia đã đề cập, hiệu quả đầu tư là một vấn đề lớn tác động đến nợ công. Một công trình, con đường được vay vốn để đầu tư dùng trong 30 năm, nhưng chỉ 6 – 7 năm đã hỏng, chúng ta lại đi vay sửa, rồi 6 – 7 năm sau lại hỏng, lại vay, có nghĩa suất đầu tư tăng đến 5 – 6 lần. Chưa kể hiện nay, vốn đầu tư của chúng ta dàn trải lên đến hàng chục nghìn công trình, cho tất cả các địa phương, hiệu quả ra sao?”.

TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Làm rõ trách nhiệm trả nợ

Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh

“Có tỉnh miền núi rất nghèo nhưng cán bộ tiếp khách bằng rượu Chivas 21, dùng điện thoại Vertu, khiến đại diện tổ chức nước ngoài đến bàn chuyện viện trợ rất ngạc nhiên. Họ băn khoăn liệu tiền cho vay ưu đãi của họ có chuyển thành rượu, thành điện thoại đắt tiền không?

Một ví dụ nhỏ này cho thấy đã đến lúc chúng ta phải siết chặt kỷ luật ngân sách, nếu không tình hình ngân sách sẽ hết sức nguy hiểm. Không chỉ về nợ công và đòi hỏi chúng ta phải có hẳn đề án về tái cơ cấu ngân sách, trong đó phải giảm hẳn bộ máy cồng kềnh hiện nay. Chúng ta hiện đang có tới 46 hội, đoàn thể, ít nhiều đều sống bằng ngân sách.

Đề án tái cơ cấu ngân sách phải tập trung giảm chi thường xuyên, xiết kỷ luật đầu tư, giảm hẳn đầu tư kém hiệu quả. Tại sao các nước đầu tư đường cao tốc dùng được 30 năm, mà đường ta 10 năm đã hỏng? Phải làm rõ được trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bồi hoàn khoản nợ đã vay.

Hiện nay vay thì cả nước xài, còn trả nợ chỉ trách nhiệm của Bộ Tài chính, như vậy theo tôi là rất bất công. Phải chia trách nhiệm ra, ông đã vay thì phải có trách nhiệm, tôi đi vay hộ cho ông về ông tiêu, phải hoàn trả lại chứ không chỉ mình tôi.

Với tình hình nợ công, thâm hụt ngân sách như hiện nay, chúng ta đang đứng trước vấn đề thực sự gay gắt của đất nước và gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ mới. Chúng ta phải hợp lực đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp giúp Chính phủ giải quyết vấn nạn này”.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nuôi bộ máy cồng kềnh, thâm hụt như vậy là ít

Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên

“Muốn bàn về nợ công phải bàn về ngân sách, bàn về ngân sách là bàn về cấu trúc ngân sách, về toàn bộ mô hình tăng trưởng, quyền lực của hệ thống chính trị. Có thực tế là bội chi ngân sách sẽ vẫn tăng dù có hô hào bao nhiêu. Nợ công cũng sẽ tăng, không thể giảm. Điều này bắt nguồn từ cầu trúc quyền lực và cấu trúc ngân sách của chúng ta.

Với cấu trúc ngân sách, cấu trúc quyền lực hiện nay, Việt Nam có lẽ chi tiêu ngân sách giỏi nhất thế giới. Thông thường, ngân sách nuôi Chính phủ, còn ở Việt Nam, ngân sách nuôi toàn bộ các cơ quan, đoàn thể, nếu cộng lại có lẽ lớn bằng 3 Chính phủ. Nuôi 3 Chính phủ mà thâm hụt 5 – 6% là ít quá. Nếu cấu trúc bộ máy mà không thay đổi được thì rất khó cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách. Nếu theo đúng cấu trúc quyền lực, để ngân sách chi tiêu như chuẩn chung của thế giới là hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều.

Hiệu quả bộ máy là rất quan trọng. Hiện nay chúng ta thiết kế bộ máy không theo chức năng, hiệu quả, mà cơ bản dựa là theo số người, khiến cho bộ máy càng kém hiệu quả lại càng muốn tăng người, mà càng tăng người lại càng kém hiệu quả. Do đó, tiền lương cứ thế tăng, chúng ta không thể nào giảm biên chế. Giải pháp đơn giản là tiền tệ hoá tiền lương, gắn liền với lương khoán. Lương đi theo việc, theo hiệu quả, khi đó chi tiền lương sẽ giảm mà hiệu quả lại tăng, áp lực ngân sách sẽ giảm".

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính: Giảm ICOR có thể đem lại hàng chục tỷ USD

trương hùng long

Ông Trương Hùng Long

Không giải quyết được vấn đề cơ cấu ngân sách thì không bao giờ giải quyết được vấn đề nợ công. Tới đây theo luật NSNN mới, đưa gốc ra, đưa toàn bộ vay vào bội chi, thì để đạt mục tiêu giảm bội chi xuống 4% sẽ phải cải cách rất mạnh, từ gốc, cả cơ cấu thu và chi. 5 năm tới, nếu không cải cách, con số nợ công có thể tăng thêm tới 150%.

Để giảm nợ công, hiệu quả của đầu tư cần được chú trọng. Mỗi năm, tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế của chúng ta chiếm khoảng 32 – 35% GDP. Tiết kiệm của nền kinh tế hiện vào khoảng 25 - 26% GDP. Như thế chúng ta có thể hình dung tổng thể là đất nước tiết kiệm 25% mà đầu tư 32 – 35% GDP, có nghĩa là phải vay từ 8 – 10%. Về hiệu quả thì nhìn tổng thể, chỉ số ICOR khoảng 5,3 – 5,6 trong 5 năm qua. Như vậy là cứ 5,3 đồng đầu tư thì có 1 đồng tăng trưởng. Vậy tại sao trước nay chúng ta luôn đặt vấn đề là để tăng trưởng thì phải tăng vốn đầu tư, tại sao không bao giờ đặt vấn đề giảm ICOR xuống? Giảm ICOR có thể đem lại cho nền kinh tế hàng chục tỷ USD.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Không nên tính nợ DNNN vào nợ công

Nguyễn Đức Thành

TS Nguyễn Đức Thành

“Trên thế giới có nhiều cách tính khác nhau, chuẩn mực khác nhau về nợ công. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về cách tính nợ công của Việt Nam, phạm vi đến đâu, chuẩn mực thế nào. Chẳng hạn như nhiều chuyên gia cho rằng nên đưa nợ DNNN vào nợ công nhưng tôi cho rằng không nên. Thực tế, nếu DNNN cứ hoạt động bình thường thì tự họ trang trải được, cũng như nợ của tư nhân, của nền kinh tế. Khổ nỗi, DNNN Việt Nam thường kinh doanh kém, không lo trả nợ, nên sớm muộn gì Nhà nước cũng phải gánh nợ hộ cho họ, đó là đặc thù của Việt Nam với khu vực DNNN lớn mà kém hiệu quả.

Theo thông lệ quốc tế, nợ DNNN không đưa vào nợ công trừ khi Chính phủ có cam kết bảo lãnh rõ ràng với những khoản nợ đó. Nhưng với Việt Nam, nguy cơ DNNN không trả nợ cao thì có thể đưa nợ vào danh sách để xem xét hàng năm, để mang tính cảnh báo rủi ro, tạo sức ép cải cách DNNN đó, để cả xã hội cùng giám sát. Với quá trình hội nhập TPP sắp tới, yêu cầu minh bạch với DNNN lớn hơn cũng sẽ là cơ hội để chúng ta cải cách DNNN.

Tóm lại, chuẩn mực của nợ công có thể theo chuẩn nào cũng được nhưng phải đảm bảo phản ánh rõ ràng, trung thực thực trạng nợ công, từ đó xác định rõ vùng rủi ro”.

TS Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính: Không nên coi TPCP là công cụ cứu cánh cho tăng trưởng và đầu tư

Vũ Như Thăng

TS Vũ Nhữ Thăng

“Việc sử dụng trái phiếu chính phủ (TPCP) như một công cụ cứu cánh cho tăng trưởng đầu tư là quan điểm cần phải xem lại. Trong giai đoạn 2003 – 2008, phạm vi của TPCP quy mô rất nhỏ. Tuy nhiên, nó đã trở thành liều thuốc liên tục chữa bệnh liên tục trong giai đoạn gần đây, kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008, và có thể kéo dài đến 2016 – 2020. Quy mô TPCP mở rộng cộng với bội chi hàng năm tạo gánh nặng lớn cho nền kinh tế trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển. Trong giai đoạn trước, 2003 – 2008, vai trò của TPCP chủ yếu ở lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi. Tuy nhiên, đến năm 2014, TPCP đã nở tiếp ra, không những trong giao thông, thuỷ lợi mà thêm những lĩnh vực mới.

Tới đây, việc kiểm soát đầu tư là rất quan trọng trong giai đoạn 2016 – 2020. Chúng ta phải quản lý tốt đầu vào nợ công, đảm bảo tốc độ giải ngân ODA, giảm áp lực huy động vốn trong nước. Từ năm 2017, TPCP sẽ tính vào bội chi theo Luật NSNN mới, đòi hỏi phải rất thận trọng trong điều hành”./.


Hoàng Yến - Duy Thái