Thực hiện thanh toán song phương điện tử đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán. Ảnh: Hạnh Thảo |
Thay thế giao dịch truyền thống
Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), thực hiện thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán, góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và ngân hàng thương mại (NHTM). Đặc biệt, TTSPĐT đã thay thế hoàn toàn việc giao dịch thủ công bằng chứng từ giấy và giao dịch trực tiếp trước đây.
TTSPĐT cũng giúp cho công tác chi NSNN, thu nộp NSNN qua 4 hệ thống NHTM và KBNN các cấp được nhanh hơn, chính xác hơn; đơn giản, thuận tiện hơn… Từ đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, TTSPĐT đã giúp giảm các bước nhập liệu của kế toán và các khâu kiểm soát của kế toán trưởng hàng ngày; giảm chi phí hành chính trong việc đi lại giao nhận và đối chiếu chứng từ hàng ngày giữa KBNN với NHTM.
Cũng theo KBNN, thực hiện TTSPĐT còn giúp cho ngân quỹ nhà nước ở các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN được tập trung hàng ngày về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính NHTM và sau đó tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước một cách nhanh chóng, an toàn.
Với những lợi ích mang lại, trong hơn 10 năm thực hiện, TTSPĐT đã ngày càng được mở rộng. Từ lúc ban đầu chỉ phối hợp thực hiện với 4 NHTM, đến tháng 7/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện TTSPĐT với 18 NHTM thông qua 833 tài khoản thanh toán và 2.589 tài khoản chuyên thu, tương ứng với tổng số gần 700 đơn vị KBNN các cấp.
Tuy nhiên, cũng theo KBNN, việc các đơn vị KBNN phải mở và thanh toán qua nhiều tài khoản tại các chi nhánh NHTM làm cho việc quản lý tài khoản bị dàn trải, tốn nhiều nguồn lực của cả KBNN và NHTM trong quản lý, đối chiếu, quyết toán. Hạn chế này sẽ ngày càng tăng lên khi KBNN tiếp tục triển khai phối hợp thu với các hệ thống NHTM mới. Hơn nữa, việc quyết toán các tài khoản được thực hiện vào cuối ngày với thời gian rất ngắn (khoảng 40 phút), trong khi khối lượng công việc phải xử lý trên hệ thống quá lớn, nhiều trường hợp xảy ra sự cố và không thực hiện được quyết toán, dẫn đến số dư các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu sau khi quyết toán không được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp tại Ngân hàng Nhà nước.
Hướng tới phương thức thanh toán song phương điện tử tập trung
Tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 có đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu NSNN; cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước.
Xây dựng mô hình tập trung giữa Kho bạc Nhà nước với ngân hàng thương mại Hiện KBNN đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình thanh toán song phương điện tử tập trung giữa KBNN với ngân hàng thương mại” trên ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Đề án đang được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đồng thời, KBNN đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm đưa đề án vào thực thi. |
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên và để khắc phục những hạn chế của phương thức TTSPĐT hiện tại, KBNN đang hướng tới phương thức TTSPĐT tập trung. Tại phương thức này, KBNN sẽ tập trung tất cả các nguồn ngân quỹ về một nơi, cụ thể là tập trung về tài khoản của Sở Giao dịch KBNN tại hội sở chính các ngân hàng. Việc tập trung này sẽ giúp cho KBNN chủ động hơn trong việc thanh toán. Đồng thời, ngân quỹ tập trung đảm bảo đáp ứng yêu cầu thanh toán tại tất cả các nơi trong toàn quốc.
Hơn nữa, về quy trình xử lý lệnh thanh toán, toàn bộ lệnh thanh toán đi, đến được truyền nhận, xử lý và quản lý thống nhất, tập trung tại hệ thống TTSPĐT tập trung, ưu điểm hơn quy trình nghiệp vụ hiện tại đó là lệnh thanh toán đến phải xử lý trên 2 ứng dụng hệ thống TTSPĐT về hệ thống phối hợp thu. Đối với lệnh thanh toán đi, các đơn vị KBNN có thể thực hiện thanh toán qua các hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán như hiện nay. Từ đó, không chỉ nâng cao tính nhanh chóng, kịp thời và an toàn của nghiệp vụ thanh toán, giảm tải khối lượng công việc cho các đơn vị KBNN mà còn góp phần quan trọng làm giảm chi phí thanh toán do có thể lựa chọn các kênh thanh toán phù hợp qua các hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán tổng hợp.
Một trong những lợi ích lớn nhất của TTSPĐT tập trung là không còn nghiệp vụ quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN về các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN như hiện tại, vì các đơn vị KBNN chỉ thực hiện thu, chi trực tiếp thông qua 1 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu duy nhất. Cuối ngày, KBNN chỉ thực hiện kết chuyển số dư tại thời điểm COT (thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và ngân hàng) trên tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính NHTM về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước liên thông các ứng dụng giúp kiểm soát nguồn ngân sách tốt hơn KBNN cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Tabmis - Thanh toán song phương điện tử) đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN; chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc. Nếu như trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của kho bạc phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống DVCTT sang Tabmis, thì nay với việc liên thông 3 hệ thống, kế toán không phải thực hiện các thao tác này nữa. Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên DVCTT để đi thanh toán song phương với NHTM, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình DVCTT, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, TTSPĐT và tự động chuyển sang NHTM mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây. Theo KBNN, việc này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho công chức kho bạc. Bên cạnh đó, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công, đồng thời bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra. Việc liên thông này, cùng với việc thực hiện TTSPĐT tập trung tới đây sẽ là công cụ đắc lực giúp các đơn vị giao dịch và hệ thống Kho bạc Nhà nước trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn NSNN, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. |