Nhanh, ngay và luôn

Theo đó, các chính sách trong Chương trình phục hồi nền kinh tế tập trung phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả ngay cho nền kinh tế. Chữ “nhanh” được Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh trong mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế: khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn;

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công 2 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, kết nối phát triển kinh tế - xã hội với vùng Thủ đô và vùng kinh tế  trọng điểm Bắc Bộ, ngày 23/12/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công 2 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, kết nối phát triển kinh tế - xã hội với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày 23/12/2021.

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nếu gói hỗ trợ khoảng 340 nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi này được Quốc hội (QH) đồng ý thông qua những ngày tới đây, theo tính toán của Chính phủ, khi đưa vào nền kinh tế sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023; tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Không có lựa chọn nào khác ngoài “nhanh, ngay và luôn”, vì lỡ nhịp với kinh tế thế giới không còn là nguy cơ mà đã là thực tế hiển hiện. Năm 2020, Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới khi là nước hiếm hoi có tăng trưởng dương. Năm 2021, “sao rơi” khi GDP Việt Nam chỉ tăng gần 2,6%, trong khi kinh tế thế giới từ mức tăng trưởng âm 3,1% của năm 2020 đã tăng gần 6%, ngay cả khu vực ASEAN cũng ngấp nghé mức tăng này.

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… là mục tiêu kiên định Chính phủ muốn hướng tới (trong ảnh: Công ty CP may xuất nhập khẩu Sma ViNa Việt Hàn, TP. Hòa Bình).
Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… là mục tiêu kiên định Chính phủ muốn hướng tới (trong ảnh: Công ty CP may xuất nhập khẩu Sma ViNa Việt Hàn, TP. Hòa Bình).

Theo các con số được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra vào tháng trước, nền kinh tế Việt Nam đã bị đại dịch Covid-19 thổi bay khoảng 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD trong hai năm 2020, 2021. Chỉ có thần tốc và quyết liệt thì mới có hy vọng lấy lại những gì đã mất, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững.

Điều kiện “sống, còn”

Thần tốc bật dậy chắc chắn không phải điều dễ dàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thấy cùng với diễn biến dịch bệnh trên thế giới và cả trong nước vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 5 thách thức lớn. Một là, thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm. Giải ngân đầu tư công còn chậm, dù có nhiều chỉ đạo, đôn đốc và giải pháp quyết liệt (một phần là do dịch bệnh, phần khác là do nguyên nhân chủ quan...). Hai là, thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng nhiều khoản thu thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Ba là, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Bốn là, rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi quyết sách rất khôn khéo. Năm là, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm.

Kiên định chống dịch, kiên trì ổn định vĩ mô

Theo đuổi quá trình phục hồi thần tốc cho nền kinh tế, Chính phủ cũng dứt khoát theo đuổi việc kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể) của năm 2022 được Chính phủ đề ra là phấn đấu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7 - 8%, phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 35% GDP; triển khai nhất quán từ trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả…

Một điều kiện mang tính “sống, còn” cho quá trình thần tốc phục hồi là phải thần tốc thực hiện tiến trình tiêm vắc-xin. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, vắc-xin là hết sức quan trọng. Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thần tốc thực hiện tiến trình tiêm vắc-xin”.

Hiện nền kinh tế cũng đang trong khí thế rất sẵn sàng để phục hồi khi thực hiện kết luận của Trung ương, kể từ tháng 10/2021, Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành, triển khai Nghị quyết 128, chuyển hướng chống dịch sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch

Covid-19”. Nhờ sự chuyển hướng này, GDP quý IV/2021 tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III, đưa GDP cả năm tăng 2,58%. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng 10%, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy. Chính phủ đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

3 trụ cột cho quá trình phục hồi thần tốc được Chính phủ xác định là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Thấp thỏm trong thách thức

Chính phủ khẳng định tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trên cả nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững. Tuy vậy, hành trình năm 2022 vẫn là một hành trình đầy thấp thỏm trong thách thức, bởi theo nhận định của Chính phủ, có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Chính phủ dự báo tình hình quốc tế và trong nước dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Bên cạnh đó, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các quan điểm chỉ đạo, điều hành, quán triệt theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.