chung cư

Sẽ có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng để làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhà chung cư.

Chiều 10/3, trình bày về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra 10 bất cập của Luật Nhà ở năm 2005 xuất hiện sau 8 năm triển khai.

Bổ sung nhiều quy định về quản lý chung cư

Cụ thể là: chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh để đầu tư nhà ở xã hội cho thuê; thiếu quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở; quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, không đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình với nhà ở; thiếu quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư để làm cơ sở cải tạo, xây dựng khi nhà ở này xuống cấp, không đảm bảo an toàn; quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa đầy đủ nên thiếu cơ sở để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện…; chưa quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở; quy định về việc mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam còn hạn chế… Ngoài ra còn có những bất cập về chính sách phát triển nhà ở tái định cư, quản lý nhà biệt thự, nhà thuộc sở hữu nhà nước….

Chính vì vậy, Tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở với 10 nhóm nội dung chính. Theo đó sẽ có quy định rõ về cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả, thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở…

Đối với nhà chung cư, Luật sẽ bổ sung quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư để tạo cơ sở cho việc cải tạo, xây dựng lại khi nhà chung cư xuống cấp, bổ sung quy định cho phép thoả thuận bên mua sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định, nhằm làm giảm giá bán nhà ở. Luật cũng làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư để làm cơ sở giải quyết các vướng mắc, xác định rõ các điều kiện bán và cho thuê của chủ đầu tư dự án để gắn trách nhiệm của các DN này với việc kinh doanh sản phẩm nhà ở, mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Hỗ trợ nhà ở: Tránh làm tăng gánh nặng ngân sách

Đánh giá về dự án Luật sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho biết về cơ bản, UBPL tán thành các quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi, bổ sung chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đề ra; chưa có giải pháp hợp lý về nhà ở cho đối tượng chính sách, người nghèo trong cơ chế thị trường, vẫn còn tính bao cấp; thiếu quy định nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở.

Một số ý kiến trong UBPL đề nghị cân nhắc quy định Nhà nước bố trí vốn để thực hiện các chương trình nhà quốc gia, hoặc để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn về nhà ở, vì quy định này khó khả thi do nguồn vốn ngân sách có hạn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần quy định lại về đối tượng được hỗ trợ nhà ở do quy định như trong dự thảo là quá rộng, bao gồm người có công, CBCNVC, học sinh, công nhân….

“Không phải tất cả các đối tượng này đều khó khăn. Cần quy định là phải khó khăn về thu nhập, nhà ở thì mới cần hỗ trợ. Nếu quy định như này thì đến 50 – 60% người dân Việt Nam cần hỗ trợ nhà ở, dẫn đến khó khăn cho ngân sách”, ông Hiển giải thích.

Về quỹ hỗ trợ nhà ở, ông Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý quy định nêu ra quá nhiều quỹ, tạo ra nhiều khâu trung gian. Càng nhiều quỹ sẽ càng phân tán nguồn lực quốc gia.

Mở rộng quy định về người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam

Về một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ông Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến tán thành với quy định này, tuy nhiên cần có nghiên cứu chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh quốc gia, lợi ích, chẳng hạn quy định ở những khu vực nhạy cảm, hạn chế số lượng được mua trong một khu vực, dự án, để tránh tình trạng tạo thành một khu biệt lập. Nghiên cứu tác động đến thị trường bất động sản để tránh ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở của người dân trong nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa cùng có ý kiến cân nhắc về quy định người Việt Nam ở nước ngoài được quyền mua bán, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo Hiến pháp, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, vì vậy không nên phân biệt giữa người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài để không làm trái Hiến pháp.

Ông Nguyễn Kim Khoa đồng tình với quan điểm người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, tuy nhiên lưu ý cần có những quy định cụ thể hơn.

Trước đó, vào buổi sáng, UBTVQH cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Kinh doanh bất động sản được xây dựng theo hướng loại trừ các giao dịch về nhà ở để thực hiện theo Luật Nhà ở. Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng theo hướng điều tiết toàn diện, đồng bộ các nội dung liên quan đến nhà ở từ vấn đề sở hữu nhà ở đến phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở và giao dịch về nhà ở (trong giao dịch về nhà ở đã có cả mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp nhà ở)...

Một số thành viên UBTVQH tán thành với quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Luật Nhà ở chỉ nên quy định những đặc thù liên quan đến nhà ở. Đối với các giao dịch về mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản là nhà ở nên quy định trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Vì vậy, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định này, tránh sự chồng chéo giữa hai Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Hoàng Yến