Sửa chính sách thuế, hải quan theo thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 tổ chức chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có thủ tục về thuế - hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi một cách bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả các DN Hàn Quốc), tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước (NSNN).

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.

Trong lĩnh vực thuế, triển khai thực hiện khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử cho người nộp thuế được thực hiện công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, dễ hiểu.

Gần 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử.

Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT tạo bước đột phá trong chuyển đổi số DN và xã hội.

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2023, đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 10,67% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 8,51% tỷ lệ tờ khai luồng vàng so với năm 2022.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Tính đến 28/2/2024, toàn quốc có 289 DN đã tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ.

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cho đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó, tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%).

Hoàn thành kết nối, tích hợp 296/464 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Bên cạnh đó, DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, DN khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.

Tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

doithoai.jpg

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo đó, trước mắt trong năm 2024 dự kiến trình Quốc hội 3 dự án Luật quan trọng là: Luật thuế GTGT (sửa đổi), Luật thuế TTĐB (sửa đổi), và Luật thuế TNDN (sửa đổi). Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng chịu thuế/không chịu thuế, quy định về giá tính thuế, thuế suất..., theo hướng theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, hạn chế gian lận, trốn thuế.

Đồng thời điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường theo đúng chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, hướng tới mục tiêu củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số; đơn giản hoá TTHC, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các TTHC, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Để công tác xây dựng, sửa đổi các chính sách thuế cũng như việc thực thi các chính sách thuế, hải quan thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Tài chính Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN Hàn Quốc, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.

ÔNG CHOI YOUNGSAM - ĐẠI SỨ HÀN QUỐC TẠI VIỆT NAM:

Môi trường thuế ổn định tạo động lực thu hút đầu tư vào Việt Nam

Sửa chính sách thuế, hải quan theo thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan thuế và hải quan Việt Nam trong những năm qua, các DN Hàn Quốc đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều địa phương ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số DN còn phản ánh những khó khăn liên quan đến việc chậm trễ hoàn thuế GTGT ở một số địa phương, việc hủy bỏ ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập đã cam kết trước đây. Cộng đồng DN vẫn rất cần đến sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam.

Việc tổ chức hội nghị đối thoại là hoạt động rất có ý nghĩa. Sự kiện đối thoại thuế và hải quan được tổ chức liên tục từ năm 2008 đến nay đã trở thành nơi giao lưu quý báu giữa các cơ quan thuế và hải quan của Việt Nam với các DN của Hàn Quốc. Hy vọng rằng các câu hỏi và kiến nghị của DN Hàn Quốc nêu ra sẽ góp phần phát triển nền hành chính thuế và môi trường thuế ổn định của Việt Nam và trở thành động lực thu hút đầu tư vào Việt Nam./.

ÔNG YOU BYUNG HA - ĐẠI DIỆN LÃNH SỰ QUÁN HÀN QUỐC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH:

Cải cách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp

Sửa chính sách thuế, hải quan theo thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Hội nghị đối thoại là sự kiện rất quan trọng với cộng đồng DN Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trên thực tế, mặc dù đã tuân thủ chính sách pháp luật của Việt Nam, trong đó có những thủ tục thuế, hải quan, nhưng trong quá trình hoạt động, vẫn còn tồn tại vướng mắc liến quan đến công tác hoàn thuế, hoạt động xuất khẩu tại chỗ mà DN Hàn Quốc mong muốn được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam giải đáp.

Việt Nam đang lấy ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sửa đổi các luật lần này. Mong rằng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng DN trong nước và cộng đồng DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Từ đó giúp DN tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động vừa tiếp tục có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nguyễn Tuấn (ghi)