![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị sáng 8/5/2025. Ảnh: Hữu Thọ |
Sáng 8/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp về quán triệt các nội dung của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, liên quan đến việc thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) và triển khai mô hình CQĐP 2 cấp.
Tích cực triển khai phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua, Bộ Chính trị đã có yêu cầu về đẩy mạnh cải cách thể chế, gắn với phân cấp, phân quyền đồng bộ, mạnh mẽ. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có các bài viết, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt về vấn đề này.
Đánh giá đây là một cuộc cách mạng thay đổi triệt để, toàn diện từ mô hình bộ máy, cải cách thể chế đến cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết sau khi sắp xếp, Bộ Tài chính đang quản lý khối lượng đầu công việc rất lớn, gắn với đó là yêu cầu phân cấp, phân quyền phải triệt để hơn.
Trong công tác của lãnh đạo bộ, Bộ Tài chính đã có quy chế phân cấp rất triệt để, để kịp thời hoàn thành các nhiệm vụ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong Bộ đã tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền theo các chỉ đạo của Bộ trưởng, Chính phủ.
Sửa nhiều luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền Bộ Tài chính đang được giao chủ trì xây dựng một số luật sửa đổi, bổ sung, thay thế có nhiều nội dung về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025, bao gồm: dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật) và Luật sửa đổi Luật Quy hoạch. |
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa tinh thần trong các Công văn số 48, 49 của Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nhanh chóng rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chủ động phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó, giảm bớt khối lượng công việc trực tiếp, tập trung cho việc quản lý nhà nước.
Báo cáo của các đơn vị tại cuộc họp cho thấy, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư công, đấu thầu, thống kê, tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý giá, quản lý tài sản công,...
Đồng thời, xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 (1 luật sửa 9 luật), trong đó có 6 luật liên quan đến phân cấp, phân quyền và Luật số 57/2024/QH142 ngày 29/11/2024 (1 luật sửa 4 luật) với 4 luật liên quan đến phân cấp, phân quyền và ban hành 10 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương.
Hiện nay, thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức CQĐP 2 cấp, Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với các nội dung đề án của Trung ương, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức CQĐP 2 cấp; tham gia dự án Luật Tổ chức CQĐP (sửa đổi). Đồng thời, tham gia ban hành văn bản hướng dẫn triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức CQĐP 2 cấp theo Quyết định số 571/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phân công cơ quan ban hành văn bản liên quan việc kết thúc hoạt động của CQĐP cấp huyện và tổ chức CQĐP 2 cấp; tham gia dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…
Khẩn trương rà soát để tiếp tục phân cấp, phân quyền triệt để
Tại phiên họp, đại diện các đơn vị đã báo cáo về thực hiện phân cấp, phân quyền trong từng công việc cụ thể. Những kết quả làm được, những điểm còn vướng mắc được nêu ra, thảo luận để làm bài học kinh nghiệm và tìm hướng giải pháp cụ thể.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, xu thế phân cấp, phân quyền hiện nay là không thể thay đổi, nhằm đảm đương được các công việc, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mới. Hiện nay, Bộ Tài chính đang có khối lượng công việc rất lớn và số công việc phân cấp cũng là lớn nhất. Trong đó, có những việc trước nay chưa từng làm, như phân cấp về các vấn đề ngân sách, quyết định đầu tư công… Nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phân cấp về Chính phủ, từ thẩm quyền Chính phủ, Bộ Tài chính được phân cấp về các địa phương…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ trì soạn thảo để xác định các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, giao Vụ Pháp chế chủ trì tổng hợp danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung. Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ phương án xây dựng, soạn thảo các nghị định, nghị quyết. Sau khi lãnh đạo Bộ duyệt phương án, Vụ Pháp chế hướng dẫn các đơn vị triển khai hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành, hoàn thành trước ngày 15/5.
Trên cơ sở phương án được lãnh đạo Bộ phê duyệt và hướng dẫn của Vụ Pháp chế, giao thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương soạn thảo nghị định, nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, trình Chính phủ trước ngày 15/6/2025 để ban hành trước ngày 30/6. Từ ngày 1/7, các địa phương hoạt động theo mô hình mới.
Phân cấp mạnh trong điều hành ngân sách Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó tiếp tục kế thừa đối với những nội dung đã quy định phân cấp hiện nay cho các bộ, HĐND cấp tỉnh, đồng thời tiếp tục tăng cường phân cấp hơn nữa cho Chính phủ, UBND các địa phương trong quá trình điều hành NSNN. Cụ thể, Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương quyết định dự toán chi NSNN, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhưng không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quyết định phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị và địa phương chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Dự thảo cũng quy định thẩm quyền của Chính phủ được điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương (hiện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); điều chỉnh bội chi, mức vay nợ chính quyền địa phương Quốc hội đã quyết định trong phạm vi bội chi NSNN (hiện thuộc Quốc hội); bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng đơn vị dự toán ngân sách về trách nhiệm giải trình liên quan đến lập, phân bổ, điều hành và quyết toán NSNN khi được yêu cầu. HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi an sinh xã hội, các chế độ, chính sách của địa phương; quyết định giao HĐND cấp xã ban hành các chính sách, chế độ phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. UBND điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương (hiện thuộc Thường trực HĐND) trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Đối với UBND cấp tỉnh, bổ sung thẩm quyền quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do HĐND giao. |