* Thưa Bộ trưởng, là người đứng đầu trong lĩnh vực quản lý đất đai, ông đánh giá thế nào về các quy định của nội dung này trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đặc biệt, việc thu hồi đất đối với các dự án phát triển KT- XH đã đáp ứng với yêu cầu phát triển, quy hoạch xây dựng trong thời kỳ mới chưa?

- Qua quá trình theo dõi, tôi thấy các đại biểu (ĐB) hết sức quan tâm đến vấn đề thu hồi đất , nhất là thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, đặc biệt là phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH. Với sự quan tâm này, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến, đến hôm nay đã trình những vấn đề mới nhất, trong đó có những vấn đề liên quan đến đất đai, thu hồi đất.

Tôi cho rằng, những ý kiến của ĐB nêu rất xác đáng, đây là sự quan tâm của toàn xã hội , của người dân về vấn đề thu hồi đất. Chúng tôi rất đồng tình với những điểm được đề cập, trình bày trong dự thảo, với mục đích để thực hiện các vấn đề về đất đai theo quy định của pháp luật.

Nhiều người nói là giá đất của chúng ta quá thấp, nhưng thực chất không phải như vậy. Giá ảo nhiều, giá các nhà đầu tư vay ngân hàng, sau đó mua đất để đấy, tính cả lãi suất vay vào đó, thế nên giá mới cao. Nói đến giá đất là phải tính giá trong điều kiện bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được thông qua trong thời gian tới. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã và sẽ bám sát ý kiến tham gia của các ĐBQH về vấn đề này trong Hiến pháp.

Hiện nay, trong Luật Đất đai, có Điều 61, 62, 63 đề cập đến các nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất. Với các mục đích thu hồi đất nêu trên, theo tôi là đã đáp ứng được những vấn đề trong Hiến pháp nêu.

Với tinh thần như vậy, Điều 62 của Luật cũng đã nêu rất rõ, mục đích thu hồi đất như thế nào? Thẩm quyền thu hồi ra sao và phân loại thế nào?

Ngoài ra, cũng quy định rõ, có thẩm quyền liên quan đến Quốc hội, liên quan đến Chính phủ, thẩm quyền liên quan đến Hội đồng nhân dân các cấp.

* Thưa Bộ trưởng, đối với việc thu hồi đất cho mục đích kinh tế xã hội, làm sao để tránh được việc DN lạm dụng, lâu nay vẫn xảy ra như nhiều ý kiến khiếu nại, tố cáo?

- Về quy định thu hồi đất lần này chúng tôi hết sức quan tâm đến ý kiến của cử tri, ý kiến của Quốc hội.

Trong những năm vừa qua, chúng ta thu hồi đất cho mục tiêu phát triển KT-XH đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều tồn tại, liên quan đến lợi ích người dân, gây ra tình trạng khiếu kiện… Cũng có những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng.

Những tồn tại này, trong luật mới sẽ được khắc phục. Chúng tôi đã đặt mục tiêu khi xây dựng Luật Đất đai lần này là phải giải quyết được vấn đề đó.

Với quy định hiện nay của Điều 61, 62, 63 trong dự thảo Luật Đất đai và với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi lần này với Điều 53, thì những nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất tùy tiện sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi thực hiện luật mới.

* Được biết, chúng ta cũng đã có cơ chế về việc những dự án thu hồi đất thì phải thông qua Hội đồng nhân dân, thưa Bộ trưởng?

- Cái này tùy thuộc theo thẩm quyền, công trình nào do chủ trương của Quốc hội thì thuộc thẩm quyền Quốc hội, công trình nào do chủ trương của Chính phủ thì thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đối với cấp tỉnh thì thông qua HĐND, UBND tỉnh, chứ không thể tùy tiện quyết định thu hồi.

Lần này chúng ta sẽ làm rất chặt chẽ. Chúng ta sẽ quy định HĐND cấp tỉnh thì sẽ thông qua loại dự án gì, khi đó UBND sẽ thực hiện việc thu hồi. Với quy định chặt chẽ như vậy, tôi hy vọng tới đây, vấn đề thu hồi đất sẽ không đơn giản nữa.

* Vậy chúng ta có khuyến khích DN và nhân dân tự thỏa thuận trong việc thu hồi đất không, thưa Bộ trưởng?

- Thực ra nhiều dự án nhỏ, DN chỉ cần một diện tích nhỏ thì họ có thể tự thỏa thuận với nhau. Những công trình quan trọng, liên quan đến lợi ích quốc gia thì Nhà nước phải đứng ra thu hồi. Còn những dự án, cũng phát triển kinh tế, nhưng quy mô nhỏ thì để họ tự thỏa thuận, có thể thông qua đấu giá…

Nói như vậy để thấy không phải DN sẽ gặp khó khăn hơn. Họ vẫn có thể thỏa thuận theo quy định của luật.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ Tài nguyên Môi trường, với tư cách cơ quan soạn thảo, cho biết đã gửi bản dự thảo mới nhất Luật Đất đai sửa đổi gửi các ĐB để chuẩn bị cho phiên thảo luận ngày mai (6/11). Bản dự thảo này đã tiếp thu tất cả các ý kiến của ĐBQH, các ủy ban chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của cử tri…

Trang Yến