Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Auckland
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Auckland, New Zealand ngày 14/8/2020.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 31/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 217.775.981 ca, trong đó có 4.521.977 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Hàng loạt nước tại châu Á mấy ngày qua đã quyết định kéo dài hoặc tái phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới.

Nhiều nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 193 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và 112.857 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 31/8, thế giới có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 39.668.541 ca mắc và 654.696 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 438.411 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.741.815 ca, trong đó có 579.330 ca tử vong.

Cũng trong ngày 30/8, New Zealand ghi nhận 53 ca mới trong cộng đồng tại thành phố Auckland. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đến nay là 562 ca. Theo thống kê của Bộ Y tế New Zealand, có tổng cộng 547 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Auckland, thành phố lớn nhất cả nước, trong khi thủ đô Wellington có 15 ca.

Trước tình hình này, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố thành phố Auckland sẽ vẫn duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 trong 2 tuần nữa, với khu vực phía Nam sẽ chuyển sang áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong vòng 1 tuần kể từ 23h59 tối 31/8. Trong khi đó, khu vực phía Bắc sẽ áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 bắt đầu từ 23h59 tối 2/9.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở những lao động nhập cư vốn dễ bị lây nhiễm tập thể do môi trường sống thường xuyên đông người và điều kiện làm việc kém. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính riêng từ ngày 22/8 đến ngày 28/8 vừa qua, đã có 1.643 công dân nước ngoài được xác nhận mắc COVID-19, chiếm 13,8% tổng số ca nhiễm trên cả nước.

Số liệu thống kê của KDCA công bố cùng ngày cho thấy Hàn Quốc có thêm 1.487 ca mới, trong đó có 1.426 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số lên 250.051 ca còn số ca tử vong là 2.284 người (tăng 5 người so với một ngày trước). Tính đến ngày 29/8 , Hàn Quốc đã hoàn thành việc tiêm mũi vaccine thứ nhất cho tổng cộng 28 triệu người, tương đương 55,8% dân số trong khi 14,6 triệu người, tương đương 28,5% dân số, đã hoàn thành tiêm chủng.

Các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với virus ban đầu được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Đáng chú ý, biến thể này có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới.

Theo báo cáo chưa được công bố chính thức từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) và Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal nước này, biến thể mới thuộc nhóm biến thể tiềm năng cần quan tâm (VOI), được gán cho dòng PANGO C.1.2, gọi tắt là C.1.2.

Chủng C.1.2 đột biến nhiều nhất so với virus SARS-CoV-2 gốc.
Chủng C.1.2 đột biến nhiều nhất so với virus SARS-CoV-2 gốc.

Biến thể này đã phát triển từ C.1, một trong những dòng virus truyền thống đã hoành hành trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi vào năm ngoái và được phát hiện lần cuối vào tháng 1.

C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Mpumalanga và tỉnh Gauteng của Nam Phi hồi tháng 5 khi quốc gia này đang gồng mình chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Cho đến nay, biến thể này đã được phát hiện tại phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.

Theo nghiên cứu, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 20/8, 80 trình tự khớp với dòng C.1.2 đã được liệt kê trên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID (Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm).

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 78.060 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 221.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh với số ca mắc mới và ca tử vong nhiều ngày liên tiếp luôn cao nhất khu vực và châu Á. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này có dấu hiệu chững lại, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, với 222 trường hợp, và ca mắc mới cao nhất khu vực.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia.

Ngày 30/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 295 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/8 ghi nhận thêm trên 15.972 ca bệnh mới (nhiều thứ hai khu vực), trong khi số ca tử vong là 256 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

So với mấy ngày trước, số ca mắc mới tại Thái Lan dâng dần lùi khỏi mốc 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca tử vong mới tại Thái Lan ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 408 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh dịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Singapore ngày 30/8 cũng ghi nhận tới 155 ca COVID-19 mới, song không có ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 221.818 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.669 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên xấp xỉ 10 triệu ca (ở mức 9.990.200 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 8.684.962 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới (Myanmar không công bố số liệu).

Trong bối cảnh ngày tựu trường sắp đến gần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến nghị giáo viên và nhân viên nhà trường cần nằm trong nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

WHO và UNICEF nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vaccine cho giáo viên và nhân viên trường học như một phần của biện pháp duy trì việc mở cửa các trường học trong suốt đại dịch.

Tuyên bố nêu rõ cần triển khai đồng thời việc thực hiện khuyến nghị, được một nhóm chuyên gia WHO đưa ra vào tháng 11/2020, trong khi đảm bảo việc tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Cùng ngày, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, bày tỏ quan ngại về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu trong 2 tuần qua. Theo ông Kluge, có tới 33 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong 14 ngày qua và đây là mức cao rất đáng lo ngại. Theo ông, yếu tố dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và hoạt động đi lại của người dân gia tăng.

Liên quan việc tiêm mũi vaccine tăng cường, ông Kluge nhấn mạnh mũi tiêm này là để giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất an toàn trước dịch COVID-19, chứ không phải là mũi tiêm "xa xỉ" lấy của những người vẫn đang chờ mũi tiêm đầu tiên.

Ông cũng lưu ý cần thận trọng khi thực hiện tiêm mũi tăng cường vì tới nay chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả của mũi tiêm này. Quan chức WHO này đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu đang thừa vaccine chia sẻ cho các quốc gia khác, trong đó có một số nước Đông Âu và châu Phi.

Theo TTXVN