Thực hiện “Hải quan Xanh” cho một tương lai bền vững
Hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, góp phần "xanh hóa" hoạt động thương mại. Ảnh: Hà Thái.

Kiểm soát hiệu quả chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu

Xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là giai đoạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tại Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến năm 2030: “Triển khai Hải quan Xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn”.

Khởi xướng “Sáng kiến Hải quan Xanh”

Từ năm 2004, “Sáng kiến Hải quan Xanh” được Chương trình môi trường UN và WCO cùng với các tổ chức quốc tế khác về môi trường chính thức khởi xướng nhằm nâng cao năng lực của hải quan và các lực lượng bảo vệ biên giới có liên quan để giám sát và tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, đồng thời phát hiện và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các mặt hàng nhạy cảm với môi trường.

Với vai trò ”người gác cửa nền kinh tế”, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, Hải quan Việt Nam luôn chủ động tăng cường hiệu quả kiểm tra, kiểm soát các hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới đảm bảo an toàn chất lượng; ứng dụng kỹ thuật hiện đại như hệ thống thông quan, máy soi, hệ thống giám sát tập trung nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa có liên quan đến môi trường vào Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống văn bản pháp luật và công văn hướng dẫn về quản lý hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm dịch hàng hóa đã được ban hành nhưng còn thiếu và có sự chồng chéo.

Hải quan Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc ban hành quy định và nâng cao nhận thức và trình độ của cán bộ và nhân viên về văn hoá xanh, chống biến đổi khí hậu thông qua các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Tiến trình xây dựng, thiết kế bài toán cho hệ thống hải quan số và hải quan thông minh chưa thực sự đặt yêu cầu phát triển xanh và bền vững làm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Hồng - nguyên đại diện Hải quan Việt Nam tại Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), từ những hạn chế trên và trước yêu cầu đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến 2030, Hải quan Việt Nam cần đặt ra những yêu cầu mới nhằm quản lý toàn diện hơn, xanh hơn.

Tạo thuận lợi, hỗ trợ chuỗi cung ứng xanh

Thực hiện “Hải quan Xanh” cho một tương lai bền vững
Ảnh minh họa.

Tháng 6/2023, Hội đồng hợp tác WCO đã thông qua bản kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy cơ quan hải quan trở thành lực lượng tiên phong thực thi chuyển đổi xanh, hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, khái niệm "Hải quan Xanh" được đề cập một cách sâu sắc hơn, yêu cầu mỗi cơ quan hải quan phải là một tổ chức chủ động tăng cường năng lực cho cán bộ và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu bền vững thông qua ba trụ cột hiện hữu xanh, thực thi xanh và kiến tạo xanh.

Khuyến nghị về giải pháp, bà Nguyễn Thị Khánh Hồng cho rằng, đối với trụ cột 1 - hiện hữu xanh, Hải quan Việt Nam cần xây dựng văn hoá xanh thông qua hệ thống quy tắc, tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; ưu tiên mua sắm máy móc, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng trụ sở, kho bãi theo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; thực hiện phân loại rác tại nguồn; thúc đẩy hành động giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với trụ cột 2 - thực thi xanh, Hải quan Việt Nam cần chú trọng kiến nghị xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế về phát triển bền vững; nghiên cứu và kiến nghị ban hành chính sách và thủ tục thuế và hải quan phù hợp, thúc đẩy hoạt động thương mại theo mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường năng lực nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan thông qua quản lý rủi ro chuỗi cung ứng tích hợp.

Đối với trụ cột kiến tạo xanh, Hải quan Việt Nam cần thúc đẩy triển khai hiệu quả kiểm soát biên giới theo mô hình quản lý biên giới thông minh, đơn giản hoá quy trình thủ tục nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ chuỗi cung ứng xanh, bền vững phát triển; phát huy tính chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới 4.0; hiện đại hoá phương thức trao đổi thông tin với hải quan các nước và các tổ chức quốc tế để kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm tại nguồn.

Nền kinh tế xanh thúc đẩy những sáng kiến để kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế rác thải và khuyến khích tái chế. Hỗ trợ và kiểm soát chuỗi cung ứng tuần hoàn, đặc biệt là đối với sản phẩm rác thải nhựa cũng đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại của cơ quan hải quan.

Tiến trình chuyển đổi xanh của hải quan: Từ chiến lược đến hành động đều đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, sự hợp tác từ các bộ, ngành và phương pháp quản trị khoa học. Ứng với mỗi trụ cột hiện hữu, thực thi và kiến tạo xanh, Hải quan Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể gắn với nguồn lực và thời gian, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu “Hải quan Xanh” đề ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

Công nghệ xanh mở ra nhiều cơ hội có giá trị thương mại cho các nền kinh tế

Tại Hội nghị và triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO tổ chức tại Hà Nội ngày 10 - 12/10/2023, đại diện Hải quan Việt Nam đã điều phối phiên thảo luận về “Hải quan Xanh cho một tương lai bền vững”. Các đại diện từ các tập đoàn và tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược và hành động hỗ trợ phát triển thương mại và quản lý biên giới bền vững.

Đại diện Tập đoàn Accenture trình bày những vấn đề quan trọng nhằm mục đích tăng cường phối hợp quản lý biên giới bền vững. Theo đó mỗi cơ quan quản lý biên giới cần tập trung đảm bảo 3 vấn đề: cách thức và quy định quản lý bền vững, quản lý tuân thủ có yếu tố bảo vệ môi trường và phối hợp giám sát hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, theo đại diện UNCTAD, các công nghệ mang tính xanh và bền vững hiện nay đang mở ra rất nhiều cơ hội có giá trị thương mại lớn cho các nền kinh tế. Để có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ xanh này, các nước cần phải đẩy mạnh chiến lược phát triển và sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng, tăng cường số hóa giúp chuỗi cung ứng truyền thống bền vững hơn, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất theo hướng bền vững.

Đại diện Tổ chức Mauritius Cargo Community Services chia sẻ mô hình hợp tác công tư trong xây dựng chiến lược Hải quan Xanh, theo đó những yếu tố quan trọng của chiến lược hải quan - thương mại xanh đó là mục tiêu rõ ràng, hợp tác, kiểm soát và ủng hộ các dự án đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ thông minh, tối ưu hoá tuyến đường vận chuyển là những biện pháp thực tế nhằm giảm thời gian trễ do lưu thông, hướng đến phát triển các chuỗi cung ứng xanh và tuần hoàn.