TP.Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động quảng bá, thu hút lao động
Ảnh: KT

Giảm nhiều tình trạng nhảy việc, đổi việc

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, qua khảo sát tại 1.361 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có trên 42% đơn vị sắp xếp cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 18, 19/1 (tức 27, 28 tháng Chạp) và hoạt động trở lại vào mùng 6 tết, số còn lại sẽ khai trương vào ngày 30/1 (mùng 9 tết).

Cũng qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong số các doanh nghiệp hoạt động vào mùng 6 Tết, có hơn 90% lao động đã quay lại nhà máy. Dự báo, với những công ty hoạt động vào ngày 30/1 hoặc muộn hơn, tình hình lao động cũng ổn định, tỷ lệ quay lại làm việc vẫn đạt ở mức cao.

Một số nhà máy đông công nhân ở TP. Hồ Chí Minh sẽ khai trương vào ngày 30/1 như: Freetrend Industrial (hơn 20.000 lao động), Pou Yuen Việt Nam (trên 52.000 người), có khoảng 70% lao động đi làm, số còn lại bắt đầu công việc từ đầu tháng 2.

Theo ông Lâm, thời điểm cuối năm 2022, tình hình sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp đã khiến người lao động có suy nghĩ khác hơn. Năm nay, tình trạng đổi việc, nhảy việc sau tết hầu như không còn, đa số công nhân mong muốn có việc làm ổn định.

Ngoài ra, nhiều lao động ở lại thành phố dịp tết, doanh nghiệp có được đơn hàng ngay trước tết nên tình hình diễn biến tích cực hơn. Các nhà máy khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt đã giúp người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Về nhu cầu tuyển dụng lao động sau tết, có 499 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển dụng 14.379 lao động trong quý I/2023, trong đó lĩnh vực may mặc, da giày có 5.000 vị trí, điện, điện tử có 2.200 vị trí, hóa nhựa có 800 vị trí, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng 1.000 vị trí.

Nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trong tháng 2

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, ngay từ thời điểm mùng 6 Tết, trên địa bàn thành phố đã có 26 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động trong tháng 2 với nhu cầu khoảng 3.800 công nhân. Trong đó, có 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc là Công ty May Nhà Bè, An Phước và Việt Tiến cần tuyển gần 2.000 công nhân. Riêng hệ thống bán lẻ của FPT có nhu cầu tuyển số lượng lớn với 1.200 lao động.

TP.Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động quảng bá, thu hút lao động
Dây chuyền sản xuất cơ khí chế tạo tại KCX Linh Trung, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm đang phối hợp với các doanh nghiệp, chuẩn bị băng rôn, tờ rơi, đặt bàn tư vấn ở khu vực bến xe để tiếp cận người lao động ngay từ lúc họ đến TP. Hồ Chí Minh và có nhu cầu tìm việc. Điều này sẽ giúp định hướng phân luồng nhu cầu việc làm ngay từ đầu, đồng thời hạn chế tình trạng “cò” lao động, giúp công nhân không bị mất tiền oan.

Để kết nối doanh nghiệp với người lao động, trong tháng 2 tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp tổ chức sàn tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn trường hợp lao động là bộ đội xuất ngũ từ 2018 đến 2022 tại thành phố Thủ Đức, đồng thời tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho khoảng 750 công an xuất ngũ trên địa bàn./.

“Một số năm trước đã xảy ra tình trạng có những doanh nghiệp không có chức năng tư vấn giới thiệu việc làm, bảo người lao động cứ đăng ký thông qua họ, sau đó giao dịch lại với các công ty rồi thu phí. Người lao động từ bến xe sẽ bị các đối tượng cò mồi nói rằng giới thiệu việc này việc kia, lương cao, sau đó thu phí từ 300-500 ngàn đồng, thậm chí có khi mất cả triệu đồng” - ông Hoàng Văn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cảnh báo.