tien

Tổng số vay của ngân sách địa phương năm 2017 dự kiến khoảng 23.587 tỷ đồng.

Bộ Tài chính hiện đã có hướng dẫn, đồng thời có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tình hình vay nợ và dự kiến bội chi NSĐP năm 2017.

Tổng số vay NSĐP dự kiến khoảng 23.587 tỷ đồng

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015, ngân sách địa phương (NSĐP) cấp tỉnh được phép bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bội chi NSĐP được tổng hợp vào bội chi NSNN và do Quốc hội quyết định hàng năm, thay vì địa phương tự quyết định theo quy định của Luật NSNN năm 2002.

Mức dư nợ vay của địa phương phụ thuộc vào tỷ lệ đảm bảo thu NSĐP được hưởng theo phân cấp/chi thường xuyên. Đơn cử như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không vượt quá 60%; không vượt quá 30% cho địa phương có số thu NSĐP lớn hơn chi thường xuyên và không vượt quá 20% số thu NSĐP cho các địa phương còn lại. Việc quy định này để đảm bảo các địa phương có khả năng trả nợ khoản vay đến hạn.

Cũng theo quy định của Luật NSNN năm 2015, chi trả nợ lãi tiền vay vẫn thuộc phạm vi dự toán chi NSĐP; chỉ trả nợ gốc được bố trí ngoài chi cân đối NSĐP.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, dư nợ đầu năm 2017 dự kiến là 76.176 tỷ đồng. Có 44/63 địa phương còn được phép bội chi 101.250 tỷ đồng (chênh lệch giữa số dư nợ trần được phép so với số dư nợ thực tế đầu năm 2017), 19 địa phương dư nợ vay đã vượt trần. Về số nợ và nguồn trả nợ gốc: Khoảng 19.845 tỷ đồng từ 4 nguồn theo quy định của Luật NSNN (vay mới để trả nợ; bội thu NSĐP, tăng thu tiết kiệm chi, kết dư ngân sách). Bên cạnh đó, có 32/63 địa phương đề nghị bội chi là 28.137 tỷ đồng.

Xét về nguyên tắc phân bổ số bội chi là ưu tiên cho địa phương phát triển, có khả năng trả nợ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương. Không xem xét địa phương đã vượt hạn mức vay nợ, trừ địa phương có nguồn Chính phủ về cho địa phương vay lại lớn hơn chi trả nợ gốc, và địa phương có đề nghị bội chi nhưng phải gia hạn trả nợ gốc khoản vay đến hạn phải trả của năm 2016.

Để khống chế trần nợ công không vượt ngưỡng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội mức bội chi NSĐP là 6.000 tỷ đồng (chênh lệch giữa số bội chi và bội thu của 32 địa phương là 5.320 tỷ đồng và số bội chi của 26 địa phương là 11.320 tỷ đồng). Với số trả nợ gốc và mức bội chi nêu trên, tổng số vay của NSĐP năm 2017 dự kiến khoảng 23.587 tỷ đồng.

32 địa phương được bội thu 5.320 tỷ đồng

Về số bội thu, theo quy định trong Luật NSNN năm 2015: “Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của NSNN”. Vì vậy, bản chất bội thu NSĐP là dùng để chi trả nợ gốc đến hạn, vì theo quy định của Luật NSNN chi trả nợ gốc không đưa vào chi cân đối NSĐP mà hạch toán ngoài cân đối ngân sách.

Đối với dự toán NSNN năm 2017, việc xác định số bội thu NSĐP trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các khoản đến hạn phải trả nợ gốc năm 2017 và quy định của Luật NSNN, Bộ Tài chính xác định cụ thể có 31 địa phương đề nghị bội thu là 4.998 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại thì có 32 địa phương được bội thu, tăng thêm tỉnh Quảng Bình. Như vậy, tổng số bội thu NSĐP của 32 địa phương theo quy định của Luật NSNN là 5.320 tỷ đồng, được xác định trên cơ sở các khoản gồm: Tổng số trả nợ gốc sau khi loại trừ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn kết dư ngân sách là 7.143 tỷ đồng; tổng số vay trong năm được phép là 1.823 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Với quy định và xác định như trên, sẽ bảo đảm các khoản nợ gốc đến hạn của NSĐP được bố trí ngay từ khâu dự toán. Các địa phương có sơ sở để bố trí đầy đủ, chủ động trả nợ đến hạn theo đúng quy định của Luật NSNN, đó là các khoản chi phải có trong dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, đồng thời nhằm kiểm soát trần nợ công và an ninh tài chính quốc gia”.

Về khoản trả nợ lãi, phí các khoản vay năm 2017, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các khoản chi nợ lãi tiền vay vẫn thuộc phạm vi dự toán chi NSĐP; chi trả nợ gốc được bố trí ngoài chi cân đối NSĐP. Nguồn chi trả nợ gốc các khoản vay, gồm: Bội thu NSĐP cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh, tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn vay.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2017, dự toán chi NSĐP được tính trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên NSNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không bao gồm mục chi trả nợ lãi. Trường hợp bố trí chi trả nợ lãi ngoài chi đầu tư phát triển, thì các địa phương có phát sinh chi trả nợ lãi sẽ tăng chi NSĐP tương ứng, kéo theo tăng số bổ sung cân đối cho NSĐP hoặc tăng tỷ lệ điều tiết thu cho NSĐP dẫn đến không công bằng giữa các địa phương, do địa phương vay nhiều sẽ được bố trí dự toán chi nhiều, địa phương không vay sẽ không bố trí.

Vì vậy, “Chính phủ đã trình Quốc hội từ năm ngân sách 2017, các địa phương có trách nhiệm bố trí chi trả nợ lãi vay từ dự toán chi đầu tư phát triển của NSĐP”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

H.TR