![]() |
Chính sách tài khoá chính góp phần thúc đẩy đầu tư công. Ảnh: Lê Toàn |
PV: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách tài khóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay?
![]() |
Ông Nguyễn Bá Hùng: Có thể thấy, chính sách tài khóa trong 6 tháng đầu năm 2025 là đúng hướng và công tác điều hành linh hoạt, tích cực.
Điều này thể hiện qua kết quả tăng cường chi đầu tư công. Trong 5 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là điểm rất đáng hoan nghênh. Cùng với đó, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có một loạt các biện pháp, chính sách tài khóa kích cầu tích cực.
Trong đó, có việc giảm, giãn, hoãn thuế, phí và tăng chi ngân sách cho các chương trình trọng điểm, ví dụ như cân đối bố trí đạt 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đó là dấu hiệu tích cực của việc chính sách tài khóa đang đi theo hướng kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa.
PV: Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong khu vực. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của chính sách tài khóa khi Bộ Tài chính duy trì hàng loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí, cũng như Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Chính sách tài khoá chính là bệ đỡ cho tăng trưởng thông qua kích thích cầu nội địa, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Hiện các chính sách tài khóa mở rộng theo hướng kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng mà Chính phủ đang thực hiện là phù hợp. Ngân sách đầu tư công đã tăng từ 27 tỷ USD lên 36 tỷ USD cho năm 2025. Nếu giải ngân được hết 36 tỷ USD đầu tư công này thì đó sẽ là cú hích cho tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình tăng ngân sách cho khoa học công nghệ và các biện pháp giảm thuế, phí đều là các định hướng về mặt chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu nội địa, qua đó kích thích tăng trưởng là đúng hướng.
Chính phủ vừa mới đưa ra quyết tâm cố gắng đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công của năm 2025, cho thấy thách thức rất lớn với việc thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách tài khóa thông qua việc thúc đẩy đầu tư công.
PV: Về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào? Có ý kiến cho rằng, hiện nay chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang còn "lệch pha" nhau. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Tôi không nghĩ như vậy. Thực tế cho thấy chính sách tài khóa và tiền tệ là đang rất đúng hướng, bổ trợ tốt cho nhau với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì ở mức thuận lợi cho tăng trưởng khi lãi suất cơ bản và lãi suất cấp vốn đều đang ở mức thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng tốt hơn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong thị trường tín dụng, cầu tín dụng phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, kích cầu nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Trong khi đó, chính sách tài khóa mở rộng theo hướng linh hoạt, tăng chi đầu tư công và các chương trình trọng điểm, cùng một loạt các biện pháp giảm thuế, phí kích thích tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác điều hành vĩ mô tương đối ổn định, tỷ lệ nợ công/GDP thấp, tạo ra dư địa để Chính phủ có thể đẩy mạnh hơn các chính sách tài khóa để kích cầu nội địa và hỗ trợ tăng trưởng.
Có thể thấy, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều đang hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng, nên 2 chính sách có thể bổ trợ nhau.
PV: Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, điều này đòi hỏi vai trò rất lớn từ chính sách tài khóa cũng như là sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 chính sách tài khoá và tiền tệ. Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng mà vừa đảm bảo để ổn định vĩ mô?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Mục tiêu tăng trưởng 8% là tham vọng lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn, bất ổn hơn. Sự khó khăn này khiến các động lực kinh tế đối ngoại như xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài khó duy trì được đà tăng mạnh, đòi hỏi vai trò rất lớn từ chính sách tài khóa để kích cầu nội địa, tạo động lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Trong quá trình triển khai hiện nay, chính sách tài khóa còn rất nhiều dư địa để có thể đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đối thấp, khoảng 35 - 36% trong mấy năm vừa qua nên có dư địa để có thể đẩy mạnh chi tài khóa thông qua tăng nợ công (vẫn ở trong ngưỡng rất an toàn so với trần nợ công 60% GDP). Do đó, hoàn toàn có đủ khả năng có thể huy động vay Chính phủ để có đủ nguồn lực phục vụ cho chính sách tài khóa mở rộng. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, việc thúc đẩy chính sách tài khoá mở rộng hơn nữa tạo cơ hội cho tăng trưởng tốt hơn, góp phần dẫn đến thu ngân sách tốt hơn và duy trì nợ công ở ngưỡng an toàn.
Các động lực tăng trưởng từ nay tới cuối năm là thương mại và đầu tư do khó khăn chung của kinh tế thế giới, cộng thêm việc tháng 7 tới có thể Mỹ sẽ áp thuế cao hơn đối với các đối tác thương mại nên sẽ ảnh hưởng đến cầu xuất khẩu và tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm. Tương tự, đầu tư nước ngoài có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Do đó, kích cầu nội địa sẽ là định hướng chính để thúc đẩy được tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam. Tiêu dùng nội địa đang ở ngưỡng ổn định, khó có thể tăng nhanh được nên để kích thích được cầu nội địa thì không gian chính sách có tiềm năng nhất chính là không gian chính sách tài khóa.
Bản thân định hướng của Chính phủ hiện nay cũng là tăng cường chi tiêu tài khóa, thúc đẩy các biện pháp như tăng đầu tư công, tăng đầu tư cho chương trình chi tiêu trọng điểm. Đó là các biện pháp tài khóa đã rất cụ thể và đúng hướng, điều quan trọng bây giờ là làm sao để triển khai thực hiện có hiệu quả, để tỷ lệ giải ngân cao và kết quả đạt được phù hợp với mục tiêu.
Hiện nay cả 2 chính sách đang đi rất đúng hướng khi đều nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng và sự phối hợp cần thể hiện qua hiệu quả thực hiện tốt hơn. Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách về mọi mặt, cần làm sao trong đà cải cách này thì cải cách hơn nữa quy trình thủ tục để tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ hiệu quả hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lưu ý cho chính sách tiền tệ Theo ông Nguyễn Bá Hùng, hiện áp lực về lạm phát đang tương đối vừa phải. So với mục tiêu lạm phát đã được điều chỉnh (tăng từ 4 - 4,5% lên 4,5 - 5%) thì mức lạm phát 3,2% trong 5 tháng đầu năm là tương đối an toàn. Trước rủi ro áp lực lạm phát nếu bất ổn ở Trung Đông khiến giá dầu tăng mạnh, chính sách tiền tệ nên duy trì ở mức hiện tại để có dư địa cho phản ứng chính sách nếu môi trường vĩ mô có biến động. |