![]() |
Nguồn: Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồ họa: Văn Chung |
PV: Dư nợ tín dụng của Việt Nam trong nhiều năm qua thường xuyên vượt ngưỡng an toàn khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), riêng đến cuối năm 2024 đã lên tới 134% GDP. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?
![]() |
GS. TS. Tô Trung Thành: Nhiều năm qua, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực là một thực tế đáng lưu tâm. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào đầu tư và tín dụng, song thiếu vắng vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực trạng này được đặt ra từ lâu nhưng mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện.
Để tăng trưởng cao, tín dụng thường tăng cao để hỗ trợ. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tương đương 134% GDP, vượt xa ngưỡng khuyến nghị an toàn của IMF. Ước tính 5 tháng đầu năm 2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,52%, vượt xa so cùng kỳ (2,41%). Điều này phản ánh hai vấn đề lớn trong tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ nhất, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước phụ thuộc nặng nề vào vốn vay tín dụng, do thiếu các kênh tiếp cận vốn trung dài hạn khác.
Mở rộng tín dụng thiếu định hướng, nhiều rủi ro chực chờ"Nếu tín dụng mở rộng nhưng không đi vào các lĩnh vực sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao thì hiệu quả đầu tư sẽ giảm, gây lãng phí nguồn lực và tạo ra bong bóng tài sản ở những khu vực đầu cơ như bất động sản, chứng khoán. Đồng thời, rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng. Do đó, tính lành mạnh tài chính của hệ thống ngân hàng cũng cần phải được tăng cường, đặc biệt về chỉ tiêu an toàn vốn, tính thanh khoản và chất lượng tài sản, để đảm bảo xử lý các rủi ro tài chính và vĩ mô" - GS. TS. Tô Trung Thành |
Thứ hai, hệ thống ngân hàng vẫn là nơi chịu trách nhiệm “gánh vác” tăng trưởng thông qua tín dụng. Tuy nhiên hệ thống tài chính - ngân hàng chưa đạt trạng thái lành mạnh một cách bền vững khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn mỏng, chất lượng tài sản có dấu hiệu suy giảm, nợ xấu gia tăng, áp lực thanh khoản hệ thống còn hiện hữu... Nếu tiếp tục tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, có thể phải đánh đổi bởi bất ổn kinh tế vĩ mô.
Cả hai vấn đề trên đều đưa đến hệ quả mô hình tăng trưởng thiếu bền vững, có rủi ro.
PV: Trong bối cảnh nhu cầu vốn thường tăng mạnh vào nửa cuối năm và áp lực thanh khoản trở thành điểm nghẽn lớn, xin ông làm rõ những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô khi hệ thống ngân hàng vẫn phải gánh vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn, trong khi nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn, thậm chí không kỳ hạn?
GS. TS. Tô Trung Thành: Phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng dẫn đến nhiều rủi ro. Rủi ro thứ nhất là mất cân đối giữa kỳ hạn huy động và cho vay, còn gọi là rủi ro kỳ hạn. Các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, thậm chí không kỳ hạn, trong khi phần lớn dư nợ cho vay là trung và dài hạn. Hiện khoảng 55% tổng tín dụng là trung dài hạn, trong khi 80% huy động lại là ngắn hạn hoặc không kỳ hạn. Điều này khiến hệ thống dễ tổn thương trước cú sốc thanh khoản, đặc biệt khi niềm tin thị trường bị ảnh hưởng.
Thứ hai, rủi ro nợ xấu. Khi tín dụng tăng nhanh nhưng hiệu quả đầu tư chưa cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ. Áp lực tăng trưởng tín dụng cao để hỗ trợ tăng trưởng có thể gia tăng tình trạng “nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng”, gây ra các khoản vay kém chất lượng. Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Việt giảm từ mức 150% (năm 2022) xuống còn khoảng 83% giữa năm 2025. Điều này cho thấy dư địa ứng phó với rủi ro tín dụng ngày càng thu hẹp.
Thứ ba, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng hiện hữu. Việc tín dụng và cung tiền gia tăng mạnh, trong khi hiệu quả sử dụng vốn còn hạn chế, sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát; giá tài sản, đặc biệt là bất động sản, có xu hướng bị đẩy lên cao; tỷ giá USD cũng đối mặt với sức ép gia tăng. Nếu không được kiểm soát kịp thời, những bất ổn tài chính và vĩ mô này sẽ lan truyền và tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực.
PV: Trước mục tiêu tăng trưởng cao và nhu cầu vốn lớn cho các dự án dài hạn, theo ông, việc tiếp tục mở rộng tín dụng có còn là hướng đi bền vững, xét trên khả năng hấp thụ vốn, hiệu quả đầu tư và sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng?
GS. TS. Tô Trung Thành: Trong bối cảnh các nguồn lực khác còn hạn chế, tiếp tục mở rộng tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi và tăng trưởng nhanh là không tránh khỏi. Với những rủi ro nêu ở trên, gia tăng tín dụng cần phải được thực hiện một cách thận trọng, giảm thiểu rủi ro và phải dựa vào các nguyên tắc cơ bản: năng lực hấp thụ vốn thực chất của nền kinh tế; chất lượng của dòng tín dụng; khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Các giải pháp tín dụng hiện nay chủ yếu mang tính ngắn hạn. Việc mở rộng tín dụng chỉ thực sự bền vững khi được tích hợp trong một chiến lược tổng thể về phát triển thị trường tài chính và tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế.
Để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, Việt Nam cần đồng thời phát triển hai kênh trọng yếu là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Cả hai kênh này đều có tiềm năng lớn trong chia sẻ gánh nặng vốn với hệ thống ngân hàng; đồng thời, tạo nền tảng phát triển năng động của khu vực doanh nghiệp. Việc nâng cao tỷ trọng đóng góp các kênh này cũng góp phần tạo nên cấu trúc tài chính cân bằng, cân đối và phát triển lành mạnh hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Dư địa tài khóa không phải là vô hạnHiện nay, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều theo hướng mở rộng, song dư địa hỗ trợ từ chính sách tiền tệ dần thu hẹp do áp lực tín dụng tăng cao, tỷ giá biến động mạnh và lãi suất khó giảm thêm. Trong bối cảnh đó, theo GS. TS. Tô Trung Thành, chính sách tài khóa nên được coi là chính sách chủ đạo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Tình hình ngân sách khả quan năm 2024 tạo ra dư địa lớn hơn cho chính sách tài khóa, có thể tận dụng để hỗ trợ cho tăng trưởng. Mục tiêu này cần thực hiện qua hai công cụ gồm: tăng chi tiêu công và giảm thuế. Theo đó, Chính phủ cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giảm thuế cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế. Hơn nữa, trong tình hình khó khăn, tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn người lao động giảm giờ làm, mất việc làm, giảm thu nhập, việc cải thiện chính sách an sinh xã hội sẽ đóng góp lớn vào tăng tiêu dùng và phải đưa nhóm yếu thế vào trọng tâm chính sách. Tuy nhiên, chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý rằng, dư địa tài khóa không phải là vô hạn, áp lực nợ công sẽ quay trở lại nếu chi tiêu không hiệu quả. Do đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, cải cách thể chế tài chính công là điểm mấu chốt giai đoạn tới. Đầu tư công cần đi liền với cải thiện môi trường đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực thực thi và minh bạch hóa quy trình phân bổ vốn. |