Nguyên nhân sút giảm xuất khẩu cà phê cả về lượng và trị giá được Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, do chính sách "zero Covid" của Trung Quốc. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp.

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cũng nhìn nhận khó khăn về thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm 2022. Trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraina chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III/2022.

Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê thế giới cũng dự báo, ngành cà phê toàn cầu sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn, do suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu thụ chậm. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu và tạo ra dư thừa trong niên vụ 2022/2023. Tiêu thụ cà phê của Nga được dự đoán sẽ giảm gần 1 triệu bao; Ukraina giảm khoảng 400.000 bao.

Đề cập đến mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch 4 tỷ USD đặt ra cho năm 2022, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay, tuy còn nhiều khó khăn do biến động khách quan, nhưng nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị
Cà phê giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Ảnh: TL

Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến nay.

Thống kê cho thấy, mặc dù quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Âu và châu Á giảm so với quý I/2022, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng 33,2%; châu Đại Dương tăng 12,1%; châu Phi tăng 11%. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang tất cả các châu lục tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang châu Đại Dương tăng cao nhất (tăng 134,6%); châu Á thấp nhất (tăng 8,2%).

Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng. Điều kiện làm việc thay đổi do tác động của dịch bệnh, cùng với việc nâng cao mức sống, được dự đoán là sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường toàn cầu.

Theo đó, nhu cầu cà phê đã mở rộng đáng kể ra ngoài các thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu là những nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, nhập khẩu của Nhật Bản dẫn đầu thị trường, tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhu cầu dài hạn sẽ tăng trong những năm tới, có khả năng trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất. Đức là nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu. Ngành công nghiệp rang cà phê của Đức rất lớn, phục vụ cả thị trường Liên minh châu Âu và thị trường xuất khẩu khác. Dự kiến thị trường cà phê Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,09% trong giai đoạn 2022 - 2027.