4 tiêu chí được sử dụng để xếp hạng là: sự giàu có về mặt kinh tế, độ "gây sốt" đối với giới truyền thông, sự tích cực sử dụng quyền lực lãnh đạo và tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng.

Dưới đây là chân dung của 10 người đứng đầu bảng danh sách này.

1- Bill Gates

1- Bill Gates

Xếp vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng không ai khác là Bill Gates - nhà đồng sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft, là tỷ phú giàu nhất hành tinh và cũng là nhà từ thiện giàu lòng hảo tâm nổi tiếng.

Sau khi xây dựng thành công "đế chế" của mình và nắm trong tay khối tài sản ròng trị giá 87 tỷ USD, ông không tham gia vào các hoạt động của công ty nữa mà tập trung giành phần lớn thời gian cho các hoạt động thiện nguyện.

Sau khi cùng vợ lập ra và quản lý Quỹ Bill & Melinda Gates năm 2000, tính đến nay tổ chức này đã quyên tặng 34,5 tỷ USD để phục vụ nghiên cứu và đưa ra những hành động thiết thực giúp loại trừ HIV, sốt rét, cùng nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Quỹ từ thiện này còn hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao cơ hội học tập và tiếp cận tri thức công nghệ thông tin.

2- Jeff Bezos

2- Jeff Bezos

Năm 2015 là một năm cực kỳ thành công của hãng thương mại điện tử Mỹ Amazon.com. Họ chính thức vượt qua "đại gia" bán lẻ Wal-mart để trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, bất chấp một số cáo buộc của truyền thông về điều kiện làm việc khắc nghiệt trong các phân xưởng chứa hàng của hãng. Cổ phiếu Amazon tăng mạnh, kéo theo tài sản ròng của tỷ phú Jeff Bezos – người sáng lập kiêm CEO của họ hiện đã có giá trị khoảng 55 tỷ USD.

Năm qua tỷ phú 51 tuổi này đã cho ra mắt dịch vụ giao hàng siêu tốc chỉ 1 giờ cho các khách hàng thân thiết (Prime) của Amazon tại một số quốc gia, mở hiệu sách khổng lồ đầu tiên ở thành phố Seattle, Mỹ. Báo giới cũng ghi nhận sự phát triển đột phá của dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services, và công ty không gian Blue Origin của cá nhân Bezos sau khi phóng và đáp thành công một hỏa tiễn có thể tái sử dụng.

3- Larry Page

3- Larry Page

Một tên tuổi nổi tiếng khác trong giới công nghệ đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng danh sách này là doanh nhân người Mỹ 42 tuổi Larry Page. Quyết định mang tính "lịch sử" của ông trong năm nay là việc tái cấu trúc kinh doanh toàn bộ Google – "gã khổng lồ" tìm kiếm trên Internet. Ông thông báo với báo chí hồi tháng 8 rằng Google sẽ trở thành một công ty con của doanh nghiệp cổ phần mới Alphabet, sở hữu toàn bộ các mảng đầu tư của họ như Nest, Calico hay Google X.

Năm 1998, Page đồng sáng lập Google cùng Sergey Brin, hiện họ là CEO và Chủ tịch của Alphabet, sở hữu khối tài sản lần lượt là 42 tỷ và 38 tỷ USD. Cặp đôi quyền lực này thành lập công ty từ một đồ án nghiên cứu khi cùng học Tiến sỹ ở trường Stanford, đến giờ họ đã đưa Google trở thành một trong những tên tuổi công nghệ danh giá nhất thế giới, với bộ máy tìm kiếm khổng lồ, bản đồ số, nhà thông minh tự động, xe hơi tự lái...

4- Mark Zuckerberg

4- Mark Zuckerberg

Nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã có một năm thắng lợi rực rỡ. Hồi tháng 5, công ty công nghệ thực tế ảo Oculus VR thuộc sở hữu của họ tuyên bố sản phẩm kính Oculus Rift sẽ chính thức bán thương mại đầu năm sau. Tháng 8 Facebook tuyên bố họ đã có 1 tỷ người sử dụng, và 8 tỷ video được xem hàng ngày. Cổ phiếu của hãng tăng đến 40% tính đến tháng 11/2015, đưa tài sản ròng của Zuckerberg đạt 47,6 tỷ USD.

Người sáng lập Facebook cũng tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD tài sản cá nhân của mình trong giáo dục, chủ yếu thông qua Startup Education, một công ty phi lợi nhuận thành lập bởi vợ chồng ông vào năm 2010 để cải thiện các trường học ở vùng Bay Area, thành phố San Francisco (Hoa Kỳ). Hôm 2/12, anh chính thức được làm cha và tuyên bố sẽ dành tặng 99% số cổ phần tại Facebook, trị giá 45 tỷ USD cho các hoạt động thiện nguyện trong suốt cuộc đời còn lại.

5- Sergey Brin

5- Sergey Brin

Nếu đã nhắc đến Larry Page chắc chắn sẽ phải nhắc đến Sergey Brin. Hồi tháng 8 vừa qua, cùng với Page, ông đã sắp xếp việc tái cấu trúc lớn chưa từng thấy ở tập đoàn internet khổng lồ Google, đưa Google trở thành công ty con của doanh nghiệp mới Alphabet mà Brin là Chủ tịch và bạn ông giữ chức CEO. Các dự án đầu tư như nhà thông minh “Nest”, dự án nghiên cứu tăng tuổi thọ con người “Calico”, trung tâm nghiên cứu Google X… đều được chuyển sang Alphabet.

Năm 2014, doanh thu của Google đã là 66 tỷ USD, lợi nhuận ròng trên 14 tỷ USD. Sau cuộc tái cấu trúc năm nay, tình hình có vẻ tiếp tục "sáng sủa" hơn nữa đối với họ. Theo thống kê của Forbes, tính đến hết tháng 11 vừa qua Sergey Brin sở hữu khối tài sản ròng là 37,6 tỷ USD. Tại Google cũng như Alphabet, ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD.

6- Jack Ma

6- Jack Ma

Người giàu thứ nhì Trung Quốc Jack Ma là nhà đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba. Theo thống kê, các website của Alibaba tham gia lên đến 60% số lượng hàng hóa được vận chuyển ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Cuối năm ngoái, tập đoàn này đã ghi kỷ lục khi có đợt IPO lớn nhất trong lịch sử tài chính nước Mỹ, với số tiền huy động được lên đến 25 tỷ USD. Tuy vậy, từ đầu 2015 đến nay Alibaba gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá cổ phiếu giảm đến 25% tính đến tháng 11 vừa qua.

Tại thời điểm hiện tại, theo thống kê của Forbes, Jack Ma sở hữu khối tài sản lên đến 24,2 tỷ USD, giàu thứ 18 thế giới. Cựu giáo viên Tiếng Anh này cho rằng bất chấp mọi thách thức, Alibaba vẫn sẽ thống trị thị trường Trung Quốc trong nhiều năm tới.

7- Tim Cook

7- Tim Cook

Từ năm 2011, Tim Cook chính thức trở thành "thuyền trưởng" giữ quyền lãnh đạo cao nhất ở công ty được định giá đắt nhất hành tinh là Apple, với 645 tỷ USD. Năm 2015 được xem là một trong những năm kinh doanh thắng lợi rực rỡ nhất của doanh nghiệp này. Thành công đầu tiên là việc ra mắt dịch vụ phát nhạc trực tuyến cao cấp Apple Music hồi tháng 6. Tới tháng 10, họ đã có 6,5 triệu người đăng ký sử dụng trả tiền và 8,5 triệu người dùng thử miễn phí.

Sản phẩm nổi tiếng nhất, gắn liền với tên tuổi của Apple từ khi thành lập là điện thoại iPhone cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tim Cook cho biết công ty đã bán được tới 13 triệu chiếc iPhone 6S và 6S Plus chỉ sau 1 tuần lễ ra mắt, phá vỡ các kỷ lục trước đó. Gần đây, ông tiếp tục "gây sốt" khi giới thiệu về sản phẩm mới Apple Car vẫn đang được nghiên cứu nhưng hứa hẹn sẽ “thay đổi lớn diện mạo ngành công nghiệp ô tô”.

8- Larry Ellison

8- Larry Ellison

Tỷ phú Larry Ellison đã chính thức thôi giữ chức CEO của hãng phần mềm lớn thứ nhì thế giới Oracle hồi năm ngoái, nhưng vẫn còn tầm ảnh hưởng lớn ở đây. Ông vẫn là Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của công ty nổi tiếng với phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu hướng đối tượng này. Ellison cho biết trong năm nay, Oracle đã chuyển hướng mạnh mẽ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm trên nền điện toán đám mây, với hơn 20% khách hàng sử dụng qua "ảo hóa" chứ không phải sản phẩm truyền thống.

Nhiều năm qua, Ellison vẫn thường xuyên được xếp hạng là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, nắm giữ khối tài sản lên đến gần 50 tỷ USD với hàng loạt danh mục bất động sản xa xỉ trải khắp toàn cầu. Ông cũng tài trợ rất nhiều cho 2 môn thể thao đặc biệt yêu thích của mình là đua thuyền buồm và quần vợt tại Mỹ.

9- Elon Musk

9- Elon Musk

Tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk được nhiều người coi như Thomas Edison của thế kỷ 21. Ông đã có rất nhiều phát minh, ý tưởng hết sức độc đáo, luôn đi trước thời đại. Tính đến nay, ở tuổi 44, Musk đã thành lập, đầu tư hoặc làm lãnh đạo ở 18 công ty lớn nhỏ khác nhau, bao gồm 2 công ty công nghệ sáng tạo nhất nước Mỹ: Tesla Motor và SpaceX. 2 hãng này đều có một năm 2015 đáng nhớ, với sự ra mắt mẫu xe crossover chạy điện Model X của Tesla, và màn phóng thành công vệ tinh DSCOVR của SpaceX lần đầu tiên bay qua khỏi quỹ đạo trái đất.

Trong năm nay, ông cũng cho biết sẽ sớm xây dựng đường ray thử nghiệm dài 8 km cho tàu siêu tốc Hyperloop, để mọi người cùng kiểm chứng khả năng vận chuyển nhanh hơn cả máy bay thương mại của loại tàu này. Musk còn vừa đầu tư 10 triệu USD vào Học viện cuộc sống tương lai để nghiên cứu trí thông minh nhân tạo.

10- Satya Nadella

10- Satya Nadella

Vị CEO thứ 3 của Microsoft đã có một năm rất bận rộn và ghi được nhiều dấu ấn cá nhân. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng loạt hãng công nghệ lừng lẫy khác, "đại gia" phần mềm này vẫn khẳng định tên tuổi của mình, đạt doanh thu "khủng" tới 95 tỷ USD. Với 23 năm "chinh chiến" ở Microsoft, kể từ đầu năm ngoái khi được chọn vào vị trí giám đốc điều hành, Nadella đã rất tích cực trong công cuộc trẻ hóa nhân sự tại tập đoàn này.

Năm qua, sự kiện phát hành chính thức phiên bản Microsoft Windows 10 mới nhất đã được giới chuyên môn và người dùng đánh giá rất cao, thu hút trên 110 triệu khách hàng chỉ trong 3 tháng. Các "đối thủ" lớn của họ như Salesforce và Oracle đã chuyển thành "đối tác chiến lược", cùng bắt tay vì lợi ích khách hàng./.

Ngọc Vũ (theo Business Insider/ Forbes)