240.000 ha rừng sẽ được ưu tiên đầu tư
240.000 ha rừng sẽ được ưu tiên đầu tư. Ảnh: TL

Đề án đề ra mục tiêu chung là nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đề án cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha, trong đó: rừng đặc dụng 36.000 ha; rừng phòng hộ 138.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 66.000 ha. Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Đối tượng rừng thực hiện đề án là rừng đặc dụng: thuộc rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng; rừng phòng hộ đầu nguồn: thuộc rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng; rừng trồng chất lượng thấp; rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng.

Đề án được triển khai, thực hiện trên phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực trung du và miền núi thường xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, có diện tích rừng cần nâng cao chất lượng góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai thuộc 3 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khuyến khích các địa phương khác có điều kiện phù hợp thực hiện các nội dung của Đề án này.

Để thực hiện hiệu quả, đề án đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Trên cơ sở rà soát, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý rừng, xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng...

Đề án cũng đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện như nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách mới, nhằm triển khai, thực hiện nâng cao chất lượng rừng. Rà soát, nghiên cứu việc bổ sung cơ chế, chính sách tăng tính tự chủ của các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng tự nhiên trong hoạt động đầu tư, khai thác các tiềm năng của rừng nhưng vẫn đảm bảo bền vững hệ sinh thái rừng. Phát triển các dịch vụ hệ sinh thái của rừng, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ cac-bon của rừng để phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng...

Theo đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan thường trực đề án, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định liên quan; nghiên cứu, đề xuất việc đưa các dự án bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng vào danh mục ưu tiên được sử dụng vốn tài trợ, vốn vay quốc tế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương để thực hiện đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định liên quan.