GDP quý I tăng 6,93%, cao nhất trong 6 năm Khi tín dụng "căng" tới 134% GDP, cần làm mới chiến lược thu hút vốn Nhìn lại bức tranh tín dụng, thúc đẩy động lực tăng trưởng GDP năm 2025

Chiều ngày 3/7 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Nhiều kết quả khả quan, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,5%

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 vừa diễn ra chiều 3/7, đây là hội nghị Chính phủ đầu tiên sau khi cả nước hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai mô hình chính quyền 2 cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại; giá dầu thô và vàng biến động mạnh; chuỗi cung ứng bị đứt gãy cục bộ; biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Trong nước, dưới sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và địa phương, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai hiệu quả. Nổi bật là việc tổ chức lại bộ máy, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu GDP đạt trên 8%.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm, 6 địa phương tăng trưởng hai con số
Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Mạnh Tuấn.

Điểm danh 6 địa phương tăng trưởng hai con số

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ: 10 địa phương tăng trưởng 2 con số. Còn tính theo 34 tỉnh, thành phố mới: có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số gồm: Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%.

Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu đều có xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau vượt quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm đều cao hơn so với cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, đưa kết quả 6 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua.

GDP quý II ước đạt 7,67%, đưa mức tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm lên khoảng 7,31%, tuy nhiên, dự kiến tính đến ngày 30/6, tăng trưởng GDP 6 tháng có thể đạt mức 7,5%, cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với báo cáo.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, xuất siêu 7,63 tỷ USD.

Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước 6 tháng trên 1,33 triệu tỷ đồng, đạt 67,7% dự toán năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn quy định.

Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km. Ngày 19/4/2025, đã đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình lớn trên cả nước.

Sản xuất kinh doanh khởi sắc, trong tháng 6 có 24,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%.

Dư nợ tín dụng đạt gần 17 triệu đồng

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng cung cấp thông tin, giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề được dư luận xã hội và báo chí quan tâm: việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân sau 3 ngày vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; đề nghị Bộ Công an cung cấp thông tin về sai phạm, trách nhiệm về vụ việc buôn bán sữa giả Hiup, việc sử dụng dầu ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người, sử dụng trong các bếp ăn tập thể và hướng xử lý với các cá nhân nổi tiếng có liên đới.

Phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc triển khai Nghị định 117 trong quản lý thuế thương mại điện tử, trong đó có nội dung chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân sang các sàn thương mại điện tử; đề nghị Bộ Công thương cung cấp thêm thông tin về quá trình đàm phán thuế đối ứng với Hoa Kỳ.

Về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, phóng viên cũng đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước làm rõ con số 6,52% dư nợ tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng, được bơm vào những lĩnh vực cụ thể nào, với tỷ trọng ra sao.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm, 6 địa phương tăng trưởng hai con số
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin về kết quả tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm. Ảnh: Mạnh Tuấn.

Phản hồi thông tin về điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định lãi suất huy động tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tín dụng bật tăng gần 20% so với cùng kỳ

"Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 16%, tuy nhiên sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến thực tế của thị trường. Cập nhật đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và tăng 18,87% cùng kỳ năm trước" - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

Cũng theo Phó Thống đốc, cơ cấu tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84% tổng dư nợ; ngành xây dựng chiếm 7,53%, trong đó có nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo chỉ đạo của Chính phủ. Các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ có tỷ trọng vay lớn, dao động khoảng 23,4%.

Cùng với đó, nông nghiệp - nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là hai lĩnh vực được ưu tiên. Đáng chú ý, tín dụng dành cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng gấp đôi tốc độ trung bình toàn nền kinh tế, tương ứng 15,69% và 17,59%.

Nhiều chương trình tín dụng ưu tiên đang được triển khai mạnh mẽ, như hỗ trợ phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long, cho vay nhà ở xã hội và hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi vay mua nhà. Gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số cũng đang được tích cực thực hiện.

"Mục tiêu tổng thể là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt, đồng bộ, tuỳ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng cường tiếp cận vốn tín dụng" - ông Hà khẳng định./.