Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tinrh Aichi, Nhật Bản.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 362.328 ca; Đức đứng thứ hai với 225.387 ca; tiếp theo là Việt Nam (175.480 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 594 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 558 ca và Hàn Quốc với 293 ca.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.231.406 người, trong đó có 991.684 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.998.646 ca nhiễm, bao gồm 516.103 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.432.157 ca bệnh và 655.585 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 166,45 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 127,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,77 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,34 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,63 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,31 triệu ca nhiễm.

Mỹ: 1/4 trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng kéo dài

Các nghiên cứu về COVID-19 thời gian gần đây cho thấy cứ 4 trẻ em mắc COVID-19 thì 1 em có thể có những triệu chứng COVID kéo dài, có thể tới 3 tháng hoặc lâu hơn. Những triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ gồm các triệu chứng liên quan đến thần kinh như đau đầu, mệt mỏi; liên quan tim mạch như khó thở hay vấn đề về tim; liên quan đến da như ngứa hoặc đổ mồ hôi; liên quan tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Theo nhà nghiên cứu Sonia Villapol thuộc Viện nghiên cứu Giám lý Houston ở bang Texas (Mỹ), đồng tác giả một nghiên cứu mới nhất về vấn đề này, việc nhận biết được những dấu hiệu và triệu chứng chính về tình trạng COVID-19 kéo dài ở trẻ em có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra liệu pháp điều trị tốt hơn, cũng như hỗ trợ quản lý lâm sàng tối ưu và phát hiện những yếu tố nguy cơ để phòng ngừa.

Cảnh báo dịch COVID-19 tăng trở lại tại Mỹ

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), dữ liệu từ mạng lưới phân tích nước thải được dùng để dự báo xu hướng dịch COVID-19 tại Mỹ cho thấy số ca mắc tăng nhẹ trở lại ở nhiều địa phương.

Hơn 1/3 địa điểm lấy mẫu nước thải tại Mỹ ghi nhận xu hướng gia tăng ca mắc trong giai đoạn từ 1-10/3 dù số ca mắc được báo cáo vẫn đang ở mức thấp. Hiện chưa rõ dữ liệu phân tích nước thải có thực sự phản ánh số ca mắc sẽ tăng trong thời gian tới và liệu có xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới hay đây chỉ là đợt tăng nhẹ của làn sóng cũ trước khi suy giảm. Trên thực tế, ở nhiều vùng trên toàn nước Mỹ, người dân đã trở lại làm việc trực tiếp trong khi các quy định về đeo khẩu trang cũng đã được nới lỏng - đây đều là những yếu tố dẫn tới số ca mắc tăng. Trong khi đó, thời tiết ấm hơn cũng là lý do làm tăng số người ra ngoài và số người mắc bệnh - được xem là những yếu tố giúp bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm và giữ số ca mắc ở mức thấp.

Hàn Quốc: Ca mắc mới vượt 350.000

Trong khi đó, ngày 15/3 là ngày thứ tư liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục vượt 300.000 ca, thậm chí đã qua mức 350.000 ca

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận 362.338 ca mắc mới COVID-19 (phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng), mức cao thứ hai sau mức kỷ lục 383.664 ca ghi nhận ngày 12/3 và tăng mạnh so với 309.790 ca ngày 14/3. Hàn Quốc cũng có thêm 93 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 293 ca trong tổng số 7.228.550 ca mắc.

Thái Lan tiêm nửa liều vaccine tiêu chuẩn cho người cao tuổi

Ngày 15/3, Bộ Y tế Thái Lan đã cấp phép sử dụng nửa liều vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA cho mũi tiêm thứ ba nhằm khuyến khích người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính, tiêm nhắc lại.

Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết, các số liệu gần đây cho thấy hầu hết các ca tử vong do COVID-19 là người cao tuổi. Do đó, Bộ Y tế Thái Lan đã quyết định giảm một nửa liều vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho nhóm tuổi này. Đây cũng là liều lượng tiêm đại trà cho người dân muốn tiêm mũi thứ 4. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần một nửa liều vaccine bằng công nghệ mRNA cũng có thể cải thiện khả năng miễn dịch.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/2/2022.

Scotland cân nhắc dỡ bỏ mọi biện pháp phòng COVID-19

Chính quyền vùng Scotland thuộc Vương quốc Anh đang cân nhắc việc dỡ bỏ toàn bộ những biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 còn lại theo đúng như kế hoạch hay không, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng mạnh trở lại.

Theo khuôn khổ chiến lược về quản lý dịch bệnh, những biện pháp như đeo khẩu trang trong không gian kín như ở cửa hàng và trên phương tiện công cộng sẽ chỉ còn là khuyến nghị, thay vì yêu cầu bắt buộc theo luật định từ ngày 21/3. Tuy nhiên, số liệu hiện tại cho thấy dịch COVID-19 đang lây nhiễm mạnh chưa từng có và nhiều bệnh viện ở Scoland đang quá tải, đặt ra vấn đề liệu có nên lùi thời hạn dỡ bỏ những biện pháp hạn chế cuối cùng này hay không.

Số liệu thống kê cho thấy, sau khi đạt đỉnh ở mức hơn 20.000 ca vào đầu tháng 1, số ca mắc mới ở Scotland đã giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, mỗi ngày Scotland lại ghi nhận khoảng 5.500 ca mắc mới và con số này bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 3. Nguyên nhân có thể bởi biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn được gọi là “Omicron tàng hình”, hiện chiếm tới 85% số ca mắc ở Scotland, ở thời điểm mà nhiều biện pháp phòng chống dịch trước đó như giấy thông hành vaccine và các hạn chế tập trung đông người được dỡ bỏ.

Ecuador nối lại học trực tiếp sau 2 năm

Ngày 14/3, học sinh trên khắp Ecuador đã chính thức trở lại trường học, sau 2 năm phải học trực tuyến do nước này áp đặt phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19.

Phát biểu tại một trường học ở thủ đô Quito, Bộ trưởng Giáo dục Ecuador Maria Brown Perez tuyên bố 1,8 triệu học sinh từ 5-18 tuổi đã trở lại học trực tiếp. Bà Brown nhấn mạnh việc nối lại hoàn toàn hoạt động dạy học trực tiếp là thành quả lớn của chính phủ sau quá trình thực hiện thí điểm từ tháng 6 năm ngoái. Thời điểm đó, Ecuador đã tiến hành chương trình thí điểm giảng dạy và học trực tiếp theo hình thức tự nguyện, sau hơn 1 năm áp dụng việc dạy học từ xa - được cho là không mang lại nhiều hiệu quả.

Chính phủ Ecuador đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, theo đó 85% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 5 tuổi trở lên, tương đương hơn 13,6 triệu người, đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Trung Quốc: Dịch bùng mạnh do Omicron và tỉ lệ cao mắc không triệu chứng

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục liên tục tăng cao trong những ngày qua, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã lý giải những yếu tố làm bùng phát các ổ dịch trên khắp cả nước. Đó là số ca nhập cảnh, sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao và tỷ lệ lớn các trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Cát Lâm, Trung Quốc.

Đợt bùng phát hiện nay tại Trung Quốc đại lục là nghiêm trọng nhất trong 2 năm dịch COVID-19 hoành hành. CDC nước này ghi nhận các ca bệnh mới tại 16 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương. Biến thể Omicron đã thay thế Delta trở thành biến thể chính gây bệnh tại Trung Quốc.

Quan chức CDC Trung Quốc cho biết thêm biến thể Omicron là một yếu tố khác khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Biến thể này gây ra tới 80% tổng số ca mắc mới COVID-19 tại Trung Quốc đại lục gần đây, trong đó phổ biến là các dòng phụ BA.2 và BA.1.1. Ngoài ra, tỷ lệ lớn bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong đợt bùng phát mới nhất cũng khiến việc phát hiện các ca mắc trở nên khó khăn hơn.

Trưởng nhóm dịch tễ học của CDC nêu rõ Trung Quốc vẫn duy trì chính sách linh hoạt "không COVID”, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp “giúp phát hiện và phản ứng nhanh nhạy và chính xác hơn”./.