Đó là khẳng định của ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long”.
Sẵn sàng cung ứng vốnNgày 26/2/2019, tại tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các hiệp hội, ngành hàng đồng chủ trì, tổ chức hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
![]() |
Ngành Ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn phục vụ người dân, DN trong sản xuất, chế biến tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: PV |
Hội nghị tổ chức nhằm triển khai những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam thích ứng với hội nhập quốc tế; đặc biệt là trao đổi, đánh giá tình hình, cùng các bộ, ngành liên quan tập trung các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài, giải quyết các nút thắt của ngành gạo cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo, trong những năm vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Do vậy, ngành Ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cũng đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá ổn định…) góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh.
Cùng với ngành ngân hàng, Agribank luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm là thực hiện chính sách "Tam nông" của Đảng và Nhà nước giao và thực tế luôn giữ vai trò chủ lực, nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, Agribank đã triển khai đăng ký vay vốn cho các DN lớn, với số tiền gần 1.200 tỷ đồng, tập trung tại một số DN như: Tổng công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2; Công ty Thành Tín Sóc Trăng; Công ty Tân Long, Công ty TNHH Tiến Phát Long, Công ty TNHH Phương Thanh; Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ...
Cùng với đó, Agribank luôn ủng hộ chính quyền địa phương, các DN địa phương vượt khó vươn lên. Đối với thị trường tín dụng của 13 tỉnh ĐBSCL, huy động vốn của Agribank đạt 150 nghìn tỷ đồng; cho vay đạt 145 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay của toàn ngành Ngân hàng đối với ngành lúa, gạo đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (Riêng khu vực ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%). Trong đó, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo tại khu vực Tây Nam Bộ là 12.822 tỷ đồng, với 50.241 khách hàng, chiếm 50% dư nợ cho vay ngành lúa gạo của Agribank.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank khẳng định: "Agribank cam kết đảm bảo hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, hoàn thiện các phương thức, cách thức cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn. Tôi hy vọng, hội nghị sẽ đưa ra được nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân, hy vọng những năm tiếp theo, chất lượng lúa gạo sẽ được nâng cao, được mùa nhưng không rớt giá, thu mua ổn định và xuất khẩu ổn định."
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững ngành lúa gạo
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, ngay trong chiều ngày 26/2/2019, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì hội nghị “Ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL”, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất của ngành Ngân hàng nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ DN, người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo.
![]() |
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cam kết cung ứng đủ vốn với lãi suất phù hợp hỗ trợ người dân sản xuất tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: PV |
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN; qua đó, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tiếp tục xem xét cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN lúa gạo.
Để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo nói chung và tại khu vực ĐBSCL nói riêng, ngoài các giải pháp nên trên, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù của Chính phủ để hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt sẽ phối hợp UBND các tỉnh vùng ĐBSCL, các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đẩy mạnh cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cần những giải pháp căn cơ khác góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo của Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, các ý kiến thảo luận cho thấy, vốn tín dụng không phải là vấn đề vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, mà vấn đề đặt ra là cung - cầu thị trường, về thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất… đối với sản phẩm lúa gạo.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước xuất khẩu gạo. Để góp phần cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, ngành Ngân hàng với vai trò là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho lĩnh vực này cũng cần vào cuộc quyết liệt với hệ thống các giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.
Chia sẻ những khó khăn với DN, đặc biệt trong điều kiện thị trường có nhiều biến động, ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định: “Agribank quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về đảm bảo cung ứng đủ vốn cho DN thu mua, tạm trữ, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý”.
Thùy Trang - V.T