Sáng 21/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Tháo gỡ triệt để các vướng mắc để doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi Chính phủ sơ kết công tác 6 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ cụ thể hơn là phấn đấu đạt từ 8,3% – 8,5%, thay vì 8% trở lên như trước đây. Sự điều chỉnh này dựa trên diễn biến thực tế trong nước và quốc tế, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với toàn bộ nền kinh tế, trong đó có Bộ Tài chính và các tập đoàn, tổng công ty.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính phải tiếp tục rà soát để nỗ lực đạt các mục tiêu cao nhất về tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Theo Bộ trưởng, một điểm nhấn rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là từ ngày 1/8/2025, các doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện theo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68). Theo Luật mới, rất nhiều thẩm quyền đã được giao hoàn toàn cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ triệt để những vướng mắc tồn tại suốt một thời gian dài khi triển khai Luật số 69. |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu rõ hội nghị là dịp nào để Bộ Tài chính lắng nghe chi tiết về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, các chương trình, dự án đang và sẽ triển khai. “Đây là dịp để chúng ta trao đổi, khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn của doanh nghiệp, gắn với những ngành nghề chúng ta có thế mạnh, điều kiện. Đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan có thêm thông tin tham mưu cho lãnh đạo nhằm xử lý nhanh chóng những khó khăn của doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho hay.
Báo cáo tóm tắt về tình hình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước cho biết mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Về tình hình tài chính hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch.
Về tình hình tài chính Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 662 nghìn tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch và bằng 100,07% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, đạt 67% so với kế hoạch và bằng 231,9% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, đạt 59,3% so với kế hoạch.
![]() |
Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước Phùng Hữu Chí trình bày báo cáo tại hội nghị. |
20 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính ước tăng trưởng bình quân 10,16%
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, giá trị giải ngân đầu tư của các doanh nghiệp ước đạt trên 93 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 40% kế hoạch năm. Nhiều dự án lớn, trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, mở rộng kho LNG Thị Vải, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án điện Long Phú 1, điện hạt nhân Ninh Thuận, LNG Quảng Trạch II. Trong lĩnh vực hàng không, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đồng thời khởi công mới các dự án mở rộng tại Cảng hàng không Cà Mau, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới.
Về xuất nhập khẩu, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt kết quả tích cực. Điển hình, kim ngạch xuất nhập khẩu Vinachem (lĩnh vực hóa chất) ước đạt 436 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Về lương thực, xuất khẩu gạo của Vinafood1 ước đạt 703 nghìn tấn, bằng 71% kế hoạch năm, và kim ngạch xuất khẩu Vinafood2 6 tháng ước đạt 191,7 triệu USD, hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Đánh giá chung, các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm đã đảm bảo tăng trưởng, bám sát kế hoạch năm 2025. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, với mục tiêu tăng trưởng cả nước được Chính phủ điều chỉnh lên 8,3% đến 8,5%, việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp nhà nước với vai trò dẫn dắt trong 6 tháng cuối năm là rất cấp thiết. Do đó, cần có giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng/doanh thu và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị diễn ra sáng 21/7. Ảnh: Đức Minh |
Trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến mức tăng trưởng mới của các doanh nghiệp thuộc Bộ:
Theo đó, có 7 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng trên 10% (như SCIC – 20%; EVN – 14%; PVN – 11%; TKV – 10%; VNPT – 10%; Tập đoàn Cao su – 10%; VEC – 10%). 13 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng từ 8% đến 10%.
Với mục tiêu đó, doanh thu ước tính quy đổi của 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính năm 2025 ước tính là 2,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 10,16%. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp về năng lượng (như PVN, EVN, TKV, Petrolimex...) đóng góp lớn vào mức tăng trưởng, cân đối tăng trưởng cho các nhóm ngành có mức tăng trưởng thấp hơn như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp (lương thực, cafe, lâm nghiệp...). Cùng với đó, các doanh nghiệp hạ tầng như ACV, VEC, VNPT... cũng có đóng góp rất quan trọng, hỗ trợ, gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.