Đối với nhiệm vụ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động giá của một số mặt hàng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, nhằm kiểm soát lạm phát bình quân theo mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá tại các cuộc họp, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm.

Bộ Tài chính chủ động các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá
Các cơ quan chức năng đã chủ động các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá. Ảnh: TL.

Đến nay, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 tại các kết luận, chỉ đạo đã ban hành.

Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bộ Tài chính chủ động các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá
Giá xăng dầu được đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng tới lạm phát. Ảnh: TL.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Đối với các mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá./.

Chất vấn góp phần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý của Bộ Tài chính

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Ngay sau khi nhận được chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp trả lời và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiêm túc nghiên cứu các nội dung chất vấn, khẩn trương trả lời, đảm bảo tiến độ, qua đó cung cấp thêm thông tin, giải trình và góp phần làm rõ những nội dung mà Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước còn băn khoăn.

Nhìn chung, các chất vấn của Đại biểu Quốc hội là những vấn đề mà dư luận và xã hội quan tâm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Do đó, khi các chất vấn, kiến nghị được giải quyết, các chính sách được ban hành đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống. Mặt khác, các nội dung chất vấn, kiến nghị cũng đã góp phần giúp Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, tăng cường việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai, giải quyết để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp./.