Xác định được giá đất sẽ giải quyết được các mối quan hệ Cho phép thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trả tiền hàng năm Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ khó khả thi Người dân không chấp nhận thu hồi đất vì lợi ích nhóm

Định giá đất là vấn đề then chốt

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong hai công cụ để thực hiện quản lý nhà nước, cũng như quyền đại diện cho chủ sỡ hữu toàn dân, bao gồm việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai, đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về giá trị tài chính… "Định giá đất là vấn đề then chốt của mọi vấn đề" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho hay, hiện nay có 5 phương pháp định giá đất song "giá vẫn sai", có thể do dữ liệu đầu vào không đúng. Dữ liệu đầu vào ở đây là giá cả, thông tin bất động sản và những thông tin khác. Do đó, hướng sắp tới là vẫn kết hợp cả 5 phương pháp nhưng về lâu dài là một phương pháp trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất. Khi chúng ta có đầy đủ thông tin giá theo thị trường thì chúng ta có phương pháp xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, từ đó xác định giá đất khắc phục được bất cập hiện nay, lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 5 phương pháp định giá đất song giá vẫn sai
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Cần có nguyên tắc để tính phương pháp nào cũng có giá phù hợp thị trường

Thảo luận tại phiên họp chiều 14/11, đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) cho rằng dự án Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là một nội dung ít có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường, đưa ra các chế tài đối với các đơn vị, cá nhân tư vấn xác định giá đất được ràng buộc trách nhiệm, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác này.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề nghị cần chú ý đến các quy định có liên quan đến Luật giá, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất với hệ thống phương pháp định giá chuyên ngành tắc, tiêu chuẩn được quy định tại hệ thống tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam.

Khi đã xác định được giá đất này thì sẽ thực hiện nhiều việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể và công khai giá đất cụ thể. Người dân có thể hoàn toàn thông qua cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính, số hóa đất đai và việc công khai để tiếp cận.

"Sau này, khi làm được điều này thì đây là giá ai cũng biết, và chúng ta không thể can thiệp vì đó là giá thị trường. Tất nhiên phải đưa ra điều kiện là người dân tự nguyện đăng ký. Cần có chế định đăng ký để người dân phải khai bằng giá thật" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết. Vấn đề tài chính đất đai nếu giải quyết được cũng sẽ tránh được lãng phí, đầu cơ, thổi giá; điều tiết hài hòa mối quan hệ hợp tác giữa các bên.

Nhờ đại biểu "hiến kế" về tiêu chí xác định cơ chế tự thỏa thuận

Trong phiên thảo luận, nội dung quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng - vấn đề cũng được tranh luận sôi nổi. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc nhà nước thu hồi để đấu thầu, đấu giá có nhiều lợi ích như là đảm bảo công bằng, đảm bảo chính sách đền bù, đảo bảo điều tiết chênh lệch địa tô. Bởi vì những khu vực này chắc chắn là chúng ta chuyển mục đích, giá trị sẽ tăng lên, nhà nước phải quản lý. Quan trọng nhất ở đây là hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Với cơ chế thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện không hạn chế tự thỏa thuận, chẳng hạn với đất không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà nước chỉ can thiệp để đảm bảo chính sách về giá, bảo đảm lợi ích cho người dân phải công bằng, minh bạch.

Để tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân, doanh nghiệp trong dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, Bộ trưởng cũng chia sẻ khó khăn nhất là xác định điều kiện tiêu chí. “Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và hy vọng các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học giúp chúng tôi tiếp tục lượng hóa, đưa ra tiêu chí” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 5 phương pháp định giá đất song giá vẫn sai
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chiều 14/11

Đối với ý kiến đại biểu về quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy hoạch đất đai sẽ gắn với giao thông, bởi giá trị đất tăng thường gắn với giao thông, ý tưởng quy hoạch. “Không kỳ vọng quy hoạch đất đai thay thế tất cả, nhưng sẽ tạo khung quản lý đối tượng cần bảo tồn, bảo vệ như khu vực di sản, đất lúa hai vụ, hạ tầng giao thông cứng. Còn khu vực “động” như khu đô thị, thương mại, dịch vụ thì cố gắng tận dụng phát triển” - Bộ trưởng nói.

Đại biểu lo giá đất tăng khi bỏ khung giá đất

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình), việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp. Theo đại biểu, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, việc định giá đất cần công khai, minh bạch. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ. Dự án Luật cũng cần nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên.