Cân nhắc khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh

Đánh giá cao tính cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng, thời gian qua đã có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan đến những bất cập của Luật Đất đai. Từ thực tế địa phương, đại biểu cho biết những vấn đề này thường liên quan đến việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng an ninh, đất nông lâm trường. Dù Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, nhưng tình hình đến nay chưa có chuyển biến. Bên cạnh đó, tình trạng thổi giá, đầu cơ đất đai cũng gây nhiều bức xúc, khi “người cần thì không có, người có thì có rất nhiều”, đại biểu nói.

Góp ý về một số vấn đề cụ thể, đại biểu đề cập đến quy định tại Điều 85 của dự thảo về việc thu hồi đất cho quốc phòng an ninh. Trong mục đích của việc thu hồi đất này, có bao gồm các nội dung như để làm nhà văn hóa thể thao, khu an dưỡng, nhà tiếp khách… như vậy, “khi thu hồi đất, người dân bị thu hồi đất liệu có đồng thuận không”, đại biểu đặt vấn đề. Theo đại biểu, nếu thu hồi để làm các công trình như phòng thủ, trận địa, huấn luyện… phục vụ quốc phòng an ninh thì nhất trí, nhưng có cả nhà văn hóa, nhà khách… thì không hợp lý.

Đối với quy định tại Khoản 2, Điều 97 về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, theo đó phải đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn cho người dân sau khi thu hồi đất. Theo đại biểu, quy định như vậy còn mang tính “khẩu hiệu”, không rõ ràng, không khả thi… Nêu thực tế từ địa bàn tỉnh Điện Biên (nơi việc tái định cư sau khi làm thủy điện Sơn La vẫn còn nhiều vấn đề chưa khắc phục hết, gây bức xúc cho người dân), đại biểu đề nghị dự thảo phải quy định rõ: thế nào là tốt hơn, tốt hơn những điểm cụ thể gì…

Một vấn đề nữa đại biểu quan tâm là đất nghĩa trang, thuộc loại đất phi nông nghiệp. Trong tương lai, nhu cầu về quỹ đất cho an táng, chôn cất là rất lớn, trong khi đó chúng ta cũng cần nhiều đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà nguồn đất thì có hạn. Thực tế hiện nay, nhiều công viên nghĩa trang được xây dựng rất đẹp, diện tích lớn. Người khá giả có thể có khuôn viên riêng đến hàng trăm, nghìn mét vuông cho việc an táng. Theo đại biểu, đây là vấn đề phải thảo luận tìm giải pháp sớm. Nêu ví dụ về chính sách riêng cho an táng, chôn cất của Trung Quốc, đại biểu cũng đề nghị phải quan tâm truyền thông sớm, nâng cao nhận thức về vấn đề này, để việc chôn cất sao cho thân thiện với môi trường.

Tổ TP.HCM

Các đại biểu thảo luận tại Tổ TP. Hồ Chí Minh

Đề nghị mở rộng quyền gia hạn thời gian sử dụng đất

Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung vào Luật Đất đai việc mở rộng quyền được gia hạn thời gian sử dụng đất. Hiện nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gia hạn thời gian sử dụng đất khi gần hết thời hạn, không cho quyền gia hạn bất kỳ lúc nào. Các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản hiện nay đang có rất nhiều dự án sắp hoàn thành thi công, nhưng thời gian xây dựng đã chiếm từ 5 đến 10 năm trên tổng thời hạn sử dụng đất, thời gian còn lại chẳng còn bao nhiêu nên việc thu lợi lại từ dự án có nơi rất khó khăn.

“Đề nghị cho phép được gia hạn vào bất kỳ lúc nào, để khi vừa hoàn thành xây dựng dự án, có thể gia hạn thời hạn sử dụng đất lại 50 năm tính từ thời điểm đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung kinh doanh và thu lợi” - đại biểu nói.

Góp ý vấn đề quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết, theo số liệu thống kê thì tình trạng dự án bất động sản phân khúc cao cấp và trung cấp hiện nay đang xuất hiện rất nhiều. Người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở có giá "vừa túi tiền", khoảng dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội. Điều đó tác động ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Việc xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai 2013. Cùng với đó, các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển, có nơi chưa được để tâm.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu cho rằng cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cũng cần được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở. Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó có thể kiểm soát được giá đất thị trường, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng đất đai trong đời sống.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ khó khả thi
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Minh Trí tại phiên họp tổ sáng 3/11.

Khó xây dựng bảng giá đất hàng năm

Quan tâm đến giá đất, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc dự thảo quy định bảng giá đất phải xây dựng định kỳ hàng năm, công khai từ ngày 1/1 hàng năm ở địa phương là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Bởi theo đại biểu, thực hiện một bảng giá đất đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ lập hồ sơ dự án, đấu thầu, thuê tư vấn, qua các bước đến thẩm định giá rồi đến HĐND đánh giá, chuyển cho UBND ban hành. Nếu quy trình này năm nào cũng thực hiện thì rất khó để làm và cũng không điều chỉnh kịp thời cùng với thị trường khi tính giá.

Do đó, đại biểu đoàn Đà Nẵng đề xuất việc xây dựng bảng giá đất nên làm theo chu kỳ 3 năm, hoặc 5 năm như trước kia. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, địa phương có thể đưa ra biên độ điều chỉnh giá đất không quá 20%; thời hạn điều chỉnh có thể là 180 ngày. Ông cho rằng việc này phù hợp hơn với điều chỉnh ở cơ sở, tránh các lãng phí không cần thiết và áp lực cho các cơ quan quản lý ở địa phương.

"Nếu địa phương không công bố kịp bảng giá đất vào ngày 1/1 thì sai, mà nếu công bố nhưng không đáp ứng yêu cầu thì có thể dẫn đến tình trạng thất thoát, nhất là khi giá đất của thị trường liên tục biến động" - đại biểu Trần Chí Cường nói.

Xác định giá đất: Phương pháp không sai nhưng dữ liệu không chuẩn

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, phương pháp xác định giá đất không sai nhưng dữ liệu đầu vào chưa chuẩn. Đơn cử, giá sơ cấp là Nhà nước giao chủ yếu không qua đấu thầu, đấu giá, mà tính theo khung, bảng giá. Việc tính toán thu thuế trên hợp đồng mua bán đất công chứng cũng không chuẩn vì người dân không khai chính xác. Vì vậy, phương pháp mới là định giá đất theo vùng giá trị. Ông cho rằng, thế giới đã làm được và Việt Nam cũng có thể, khi có bản đồ địa chính số, thiết lập được mạng lưới thu thập thông tin giá đất hàng ngày.

Nếu thu thập được dữ liệu, Bộ trưởng cho rằng, sau 5 năm có thể xây dựng được bản đồ giá đất. Sau đó, hội đồng định giá, cơ quan tư vấn nhưng sẽ dùng phần mềm do Bộ Tài nguyên và Môi trường và chuyên gia xây dựng.