Đại biểu chất vấn về quyên góp từ thiện, ba Bộ trưởng tham gia trả lời Giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cơ bản đạt yêu cầu tiến độ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Những nội dung chính của phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Các chính sách hỗ trợ đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng

Trả lời đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) về việc chậm triển khai hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chính sách chưa có tiền lệ và nhiều nội dung chưa có trong quy định pháp luật, Chính phủ không có thẩm quyền, thậm chí vượt thẩm quyền. Do đó, khi có yêu cầu không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, ngành lao động, thương binh và xã hội cùng với các ngành chức năng làm ngày làm đêm. Việc xây dựng chính sách được triển khai rất nhanh.

Bộ trưởng khẳng định tất cả các thủ tục, các quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đều ở mức độ “thông thoáng nhất có thể, không thể thông thoáng hơn nữa”. Người lao động không phải kê khai gì, bảo hiểm tự động chuyển tiền vào tài khoản của mình. Doanh nghiệp cũng vậy, chỉ trong 5 ngày đã có 365 nghìn doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Dù khẳng định đã nỗ lực hết sức song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận trong quá trình tổ chức thực hiện, có nơi này nơi kia còn cứng nhắc, máy móc. Cụ thể như việc hỗ trợ cho người F0, F1 và trẻ em ăn 80 nghìn đồng/ngày, có địa phương kiến nghị tới 3 trang giấy. Sau đó Bộ trưởng phải khẳng định, nếu như không ai thanh toán, Bộ trưởng chịu trách nhiệm, khi ấy địa phương mới triển khai.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên có lỗi của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tuyên truyền phổ biến không kỹ, không đầy đủ. "Về cơ bản, thủ tục chính sách chặt chẽ và khó có thể rút gọn hơn nữa", Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời đại biểu Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) về kết quả triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, sau 4 tháng triển khai, cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý. Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này khoảng 50% là chính sách có tính chất hỗ trợ, tức thì còn lại là các chính sách cho phép kéo dài hơn.

Về gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu đến ngày 15/11 sẽ giải quyết căn bản số hỗ trợ này. “Như vậy có thể thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu phát huy tác dụng”, Bộ trưởng nhận định.

An tâm với kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đặt câu hỏi khi sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 24.000 tỷ đồng trong tổng số 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ, nếu dịch tiếp tục việc hỗ trợ sẽ thế nào và quỹ kết dư còn lại có an toàn không?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 90.600 tỷ đồng, là mức tốt và an toàn cao. Nghị định của Chính phủ phấn đấu kết dư gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, sau khi đánh giá tác động và cân nhắc kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để sử dụng 38.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ, đây cũng là giải pháp tình thế.

Sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 56.000 tỷ đồng, gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm với mức kết dư này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định.

Lo ngại về việc trục lợi chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu chất vấn về trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tất cả các chính sách đều quy định rõ, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu của tổ chức địa phương, của các ngành được phân công.

Vừa qua, các cơ quan đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy ở một số nơi đã xảy tình trạng trục lợi. Cụ thể, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp, trong đó có những địa phương cách chức cả bí thư, chủ tịch mặt trận, bí thư Đoàn Thanh niên vì lý do để người nhà trong danh sách hộ nghèo và hưởng chính sách.

Đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, 2 trường hợp trục lợi chính sách, đưa người không thuộc đối tượng được hưởng vào danh sách để rút tiền đã bị khởi tố hình sự. “Đây là điều không tránh được, tuy nhiên về cơ bản các địa phương đã đảm bảo được công khai, minh bạch, đúng đối tượng”, Bộ trưởng cho biết.

Sử dụng các quỹ phải đúng nguyên tắc, đúng đối tượng

Về câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) là kết dư các quỹ bảo hiểm còn gần 1 triệu tỷ, các quỹ khác cũng còn nhiều, tại sao không tung ra tiếp hỗ trợ, để xây nhà cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là điều đáng mừng khi các quỹ bảo hiểm của chúng ta phát triển tương đối lành mạnh, đảm bảo thực hiện được đầy đủ các chính sách theo quy định của bảo hiểm và kết dư tương đối bền vững.

Thời gian qua chúng ta đã sử dụng một số kết dư và giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn cho người lao động, người sử dụng lao động với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, theo Nghị quyết 116 đã trích ra 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong gói 68 cũng trích ra khoảng 10.000 tỷ đồng nữa. Tổng cộng đã sử dụng trên 50.000 tỷ từ các quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động.

Với số dư quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng hiện tại, Bộ trưởng cho biết trong đó gần 900.000 tỷ đồng là của Quỹ hưu trí, tử tuất. Về nguyên tắc, quỹ này không thể sử dụng cho việc khác, bởi đây quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia bảo hiểm, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Theo nguyên tắc đó, chúng ta không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được.

Bộ trưởng cũng phân tích thêm, hiện nay một năm chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Như vậy, kết dư hiện nay của quỹ cũng chỉ gấp 4 lần mức chi hàng năm. Về nguyên tắc thì quỹ này là phải được bảo toàn và phát triển bền vững./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)