Kho bạc địa phương cải cách đồng bộ 6 lĩnh vực

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thực hiện các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Tài chính về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số, trong nhiều năm trở lại đây, KBNN đã luôn chú trọng đẩy mạnh công tác CCHC đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Tại các địa phương, với phương châm “lấy khách hàng là trung tâm của phục vụ”, KBNN cũng đã thực hiện nhiều cải cách, đưa đến sự thuận lợi và hài lòng cho khách hàng và đơn vị giao dịch.

Đơn cử như tại Vĩnh Phúc, từ nhiều năm nay, đơn vị KBNN đã đẩy mạnh CCHC, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thông tin; triển khai ứng dụng các chương trình thanh toán hiện đại trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) như: thanh toán điện tử liên ngành, thanh toán song phương điện tử, quy trình một cửa trong kiểm soát chi NSNN; công khai minh bạch các thủ tục hành chính…

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Vĩnh Phúc đã thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn 1 ngày (đối với quy trình thanh toán trước, kiểm soát sau), 3 ngày (đối với quy trình kiểm soát trước thanh toán sau) theo đúng quy định của KBNN.

Cùng với toàn hệ thống, từ tháng 2/2018, KBNN Vĩnh Phúc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho các đơn vị giao dịch trong toàn tỉnh. Đến nay, 100% các đơn vị giao dịch đã tham gia (trừ khối an ninh quốc phòng) với tỷ lệ hồ sơ chứng từ giao dịch qua DVCTT đạt trên 99%. Đồng thời, KBNN Vĩnh Phúc đã hoàn thành triển khai ứng dụng trên điện thoại di động với hơn 93% đơn vị giao dịch để tra cứu tham vấn số dư tài khoản tại kho bạc.

Hiện đại hóa các nghiệp vụ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Hiện đại hóa các nghiệp vụ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và tập trung nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN, KBNN Vĩnh Phúc đã mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với 9 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với các NHTM thực hiện chi tiền mặt qua hệ thống NHTM đối với các khoản chi lớn; chi thanh toán cá nhân qua tài khoản. Do đó, công tác thanh toán chi trả của các cấp NSNN và các đơn vị sử dụng ngân sách luôn được đảm bảo và kịp thời.

Ông Nguyễn Hồng Cương - Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc cho biết, nhờ đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, KBNN Vĩnh Phúc đã tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản nhà nước giao Kho bạc quản lý.

Tại KBNN Nam Định, Giám đốc Vũ Duy Minh cho biết, xác định CCHC là một trong những khâu đột phá chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước, KBNN Nam Định đã không ngừng rà soát, CCHC, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng giao dịch.

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2022, KBNN Nam Định đã dừng toàn bộ các giao dịch thu, chi tiền mặt đối với tổ chức, cá nhân tại các trụ sở KBNN thuộc hệ thống KBNN Nam Định. “Việc triển khai thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của KBNN đã tạo sự chuyển biến tích cực. Trước đây, các giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN Nam Định thường là các khoản thu phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau khi triển khai Đề án TTKDTM, các khoản thu phạt này đều được thực hiện tại các NHTM. Người nộp phạt dễ dàng thực hiện nộp phạt qua các tiện ích của ngân hàng. Đối với KBNN, giải quyết được vấn đề an toàn trụ sở, không phải tăng cường người trực vào ngày nghỉ, giảm chi phí về con người và vật chất” - ông Minh chia sẻ.

Giảm hồ sơ, đơn giản hóa quy trình

Có thể thấy, với các cải cách đã thực hiện, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện thành công mục tiêu “Khách hàng là trọng tâm phục vụ” khi đưa đến khách hàng những thuận lợi nhất trong giao dịch.

Với đích đến là kho bạc số vào năm 2030, CCHC, hiện đại hóa các nghiệp vụ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống KBNN trong giai đoạn phát triển mới. Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong CCHC thời gian qua, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ, nhất là các đề án, chính sách thuộc Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 của Bộ Tài chính để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, nhằm tiếp tục cải cách công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Bên cạnh đó, KBNN tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện giao dịch hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đồng thời trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Cải cách hành chính quyết liệt và đồng bộ trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nghiên cứu triển khai và vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) lớn như: Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc); Kiểm soát chi đầu tư, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử tập trung; kết nối thu NSNN giữa KBNN với ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý thu…, trong đó, Tabmis là hệ thống trung tâm có khả năng kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác, hình thành nên một hệ thống CNTT KBNN đầy đủ, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Từ đó, giúp KBNN nâng cao năng lực quản trị, giảm các thao tác thủ công, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Ngoài ra, KBNN tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, trong đó tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; nghiên cứu thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Đặc biệt, KBNN sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, triển khai Kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN như kế hoạch đã đề ra.

Góp phần vào mục tiêu chung là hướng đến kho bạc số, ông Vũ Duy Minh cũng cho biết, để đẩy mạnh công tác liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương nhằm hình thành hệ sinh thái về dữ liệu số, KBNN Nam Định sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN; chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi NSNN; triển khai chương trình thông báo biến động số dư tài khoản, chương trình thông báo tiến trình xử lý hồ sơ cho các đơn vị sử dụng NSNN. Mặt khác, KBNN Nam Định tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phối hợp thu trên địa bàn tỉnh giữa ngành Thuế, Hải quan, KBNN và NHTM; áp dụng công nghệ vào tất cả các khâu của quy trình thu NSNN để nâng cao hiệu quả của việc triển khai phối hợp thu trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao

Con người chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa. Để việc CCHC mang lại hiệu quả cao cho giai đoạn phát triển mới, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vừa phục vụ cho triển khai các chức năng, nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN, vừa chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội vụ của hệ thống KBNN trong thời gian tới.