Đó là những vấn đề được các chuyên gia thảo luận, tại hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của các nước”, do Học viện Tài chính tổ chức chiều 25/4, tại Hà Nội.
Còn nhiều khó khăn
Theo TS. Nguyễn Đức Hải - Học viện Ngân hàng, Việt Nam với 71,3 triệu người trưởng thành (trên 15 tuổi) và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.062 USD vào năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam vẫn thuộc các nước có thu nhập trung bình thấp.
Sự phát triển tài chính theo hướng toàn diện mới đang trong giai đoạn đầu, kết quả còn nhiều hạn chế. Trong đó, tỷ lệ người dân có tài khoản thấp, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, những người thu nhập thấp và đối tượng phụ nữ.
Một phần nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu.
Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao, nhưng hình thức vay mượn không chính thức vẫn còn rất lớn; tài chính kỹ thuật số còn chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.
Internet bắt đầu góp phần thúc đẩy phát triển giải pháp thanh toán tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng tài khoản để thanh toán vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, đa số các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt.
PGS. TS Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Học viện Tài chính) tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
ThS. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, trên 1/3 số người trưởng thành, chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị, có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức, thấp so với mức trên dưới 80% ở các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan.
Trong khi đó, với hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất hạn chế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), quỹ tín dụng nhân dân, một số ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%.
Giải pháp phát triển tài chính toàn diện
Theo ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, mở rộng tài chính toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng và có thực của người dân. Đặc biệt, cần mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.
Ví dụ, như chủ trương của Agribank sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng và Ngân hàng Chính sách xã hội, từ ngày 1/3/2019, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia đối với phát triển thị trường; ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu; có chính sách đầu tư vốn, công nghệ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống pháp lý quy định số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Các chuyên gia tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Việt. |
Với vai trò đầu mối, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các đối tác phát triển như WB, ADB… nhằm huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để triển khai tài chính toàn diện thành công tại Việt Nam.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính số, như các ứng dụng di động, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; chủ động đầu tư vốn, nâng cấp hạ tầng công nghệ của ngân hàng tương thích với nền tảng tài chính số; đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp; nghiên cứu hợp tác với các tổ chức tài chính, phi tài chính xây dựng hệ thống ngân hàng đại lý nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Còn theo PGS. TS Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Học viện Tài chính), cần cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý nhất.
Đặc biệt là việc mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp có thu nhập thấp nhằm tạo cơ hội đồng đều và xóa đói, giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế; các thước đo thể hiện ở tiếp cận dịch vụ tài chính, sử dụng dịch vụ tài chính và chất lượng của các dịch vụ tài chính; tham gia vào quá trình này bao gồm các yếu tố đó là đối tượng cung sản phẩm, cấp dịch vụ tài chính; đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính; các phương tiện hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin; môi trường pháp lý các cấp./.
Đức Việt